Trong phiên 1 với chủ đề “Nhận định xu hướng Logistics của Việt Nam” tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức sáng nay, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, ngành logistics bản chất đã tồn tại rất lâu đời và gắn liền với các địa phương, song ngành này chỉ mới được gọi tên khoảng chục năm trở lại đây cùng với sự thúc đẩy của Chính phủ để logistics phát triển.
Hiện chúng ta cũng đã nhìn thấy được sự phát triển đồng bộ về hạ tầng để phát triển ngành logicstics. Đặc biệt là trong năm 2023, Chính phủ đã và đang quan tâm đẩy mạnh quy hoạch cơ sở hạ tầng, từ đó ngành logistics có cơ hội phát triển, tăng trưởng.
Đồng thời, công nghệ, chuyển đổi số cũng là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp trong ngành logistics đẩy mạnh, phát triển và không chỉ phát triển trong nước, địa phương mà còn vươn tầm quốc tế.
Thế nhưng, thách thức của chúng ta hiện nay là năng lực doanh nghiệp trong ngành logistics của Việt Nam còn những hạn chế nhất định. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa có nhiều năng lực cạnh tranh.
"Thực tế chúng ta cũng có thể thấy được rằng, dịch vụ hàng hóa logistics của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ mới ở biên giới Việt Nam, chưa thể bứt phá ra quốc tế. Đây được xem là hạn chế lớn đối với doanh nghiệp logistics trong nước", ông Hải nói.
Tất nhiên, điều này cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc đẩy mạnh, hoàn thiện cơ sở hạ tẩng, khung pháp lý để thúc đẩy ngành logistics phát triển, nhưng trước hết bản thân các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng cần nỗ lực tăng trưởng.
Cũng theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, Logistics của Việt Nam đã nhìn thấy con đường phát triển xanh, nhưng chúng ta cũng phải nỗ lực để có thể thúc đẩy, phát triển ngành logistics hơn nữa trong thời gian tới đây.