Y tế - Sức khỏe
Nanogen có thể sản xuất tới 50 triệu liều vắc-xin Nano Covax/tháng
D.Ngân - 27/06/2021 10:57
Công suất sản xuất vắc-xin Nano Covax hiện đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9/2021 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng.

Ngày 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen tại khu công nghệ cao TPHCM - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Nano Covax phòng chống Covid-19.

Thủ tướng nghe lãnh đạo công ty giới thiệu về các cải tiến công nghệ . Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, Công ty đang thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người, đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vắc-xin.

Cũng theo ông Hồ Nhân, công suất sản xuất hiện tại của Công ty đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng. 

Trước yêu cầu tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước, Công ty đã tiến hành nhiều cải tiến công nghệ, như đóng lọ vắc-xin có sẵn kim tiêm, thuận tiện và nhanh chóng hơn nhiều khi tiêm. 

Đáng chú ý, Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nano Covax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, hàng chục quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối vắc-xin của Công ty. 

Lãnh đạo Nanogen khẳng định, yêu cầu quan trọng nhất với vắc-xin Nano Covax là phải an toàn, sinh miễn dịch tốt. Vắc-xin này có giá thành khoảng 120.000 đồng mỗi liều và giá này không thay đổi. Công ty đề nghị Bộ Y tế bám sát, cử đội đặc nhiệm để hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết công nghệ sản xuất của Nanogen đang làm cơ bản tốt, tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. 

Trước đề nghị của Nanogen về giảm thủ tục hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế, theo thông lệ quốc tế, tất cả vắc-xin phòng Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn, đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ. 

Bộ Y tế đã đề nghị Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia cho triển khai thử nghiệm Nano Covax giai đoạn 3 theo phương thức gối đầu lên giai đoạn 2. 

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng hoan nghênh Công ty Nanogen đã chủ động, mạnh dạn, đầu tư nghiêm túc, bài bản cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, đi thẳng vào vấn đề mà đất nước, nhân dân đang cần. 

Việc nghiên cứu, sản xuất phải tuân thủ các quy trình, quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn, có hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh với chi phí cạnh tranh.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục cản trở việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin.

“Các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và nhất là ưu tiên, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên quan tới phòng chống dịch bệnh, sản xuất vắc-xin”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan cần có kế hoạch, lộ trình làm việc với WHO để làm sao sớm nhất đáp ứng nhu cầu vắc-xin, có được vắc-xin nhanh nhất có thể.

Trước đề nghị của Công ty Nanogen, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu lập tổ hành động (task force) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin do một người có đủ thẩm quyền để phụ trách, có thể là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng để thúc đẩy vắc-xin sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Nhấn mạnh yêu cầu chủ động vắc-xin để tiêm miễn phí cho toàn dân, không chỉ trong năm nay mà trong những năm tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt, vừa lâu dài. Về phía công ty, Thủ tướng đề nghị xử lý hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Với tình hình dịch bệnh đang phức tạp tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phong tỏa, cách ly cần có lực lượng công an, quân đội hỗ trợ, tránh lây nhiễm ở khu cách ly cũng như người trốn khu cách ly ra bên ngoài mua đồ ăn rồi lây cho cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu công tác cách ly phải đảm bảo 24/24 giờ, người trong khu cách ly phải ở trong phòng, không qua phòng bên cạnh, dứt khoát phải đảm bảo vệ sinh, cách ly triệt để.

Dẫn chứng lại bài học ở Bắc Giang, mặc dù cách ly từng phòng nhưng sử dụng chung nhà tắm dẫn đến lây nhiễm chéo, Thủ tướng đề nghị TP.HCM rút kinh nghiệm ở các tỉnh khác, không để sơ hở trong khu cách ly, khu phong tỏa. 

Tính từ 12h đến 19h30 ngày 26/6 Việt Nam có 115 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (58), Nghệ An (11), Phú Yên (10), Đồng Tháp (8 ), Đà Nẵng (7), Quảng Ngãi (6), Bắc Giang (5), Bình Dương (5), Bình Thuận (2), Hà Nội (2), Bắc Ninh (1); trong đó 108 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Trong ngày 26/6, Việt Nam ghi nhận thêm 164 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (58), Bắc Giang (16), Hưng Yên (11), Nghệ An (11), Phú Yên (10), Đồng Tháp (8 ), Hà Tĩnh (7), Đà nẵng (7), Quảng Ngãi (6), Tây Ninh (5), Long An (7), Bắc Ninh (5), Bình Dương (5), Hải Phòng (2), Bình Thuận (2), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Cần Thơ (1); trong đó 131 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Tính đến 19h30 ngày 26/6, Việt Nam có tổng cộng 13.515 ca ghi nhận trong nước và 1.760 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 11.945 ca, trong đó có 3.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tin liên quan
Tin khác