Theo đó, đại diện Nanogen cho biết, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc-xin Nano Covax đạt 99,4%.
So sánh với các loại vắc-xin khác trên thế giới, khả năng miễn dịch này không hề thua kém và có phần cao hơn. Trong khi đó, giá bán dự kiến hiện đang thấp nhất thế giới, chỉ với 120.000 đồng/liều.
Công ty Nanogen quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung cấp đủ vắc-xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022. |
Công suất sản xuất hiện nay của nhà máy Nanogen đạt 8-12 triệu liều/tháng. Nanogen đang hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều cũng như đội ngũ xe lạnh (2-8 độ C) vận hành đạt chuẩn quốc tế.
Dựa trên kế hoạch và năng lực hiện tại, Nanogen cho biết có thể cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12/2021 và 100 triệu liều vào năm 2022.
Công ty Nanogen quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung cấp đủ vắc-xin để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng vào quý 2 năm 2022.
"Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ của đồng chí Thủ tướng Chính phủ để vắc-xin Nano Covax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vắc-xin của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ", ông Hồ Nhân, Giám đốc Nanogen bày tỏ.
Ngoài Nanocovax, một ứng viên vắc-xin phòng Covid- 19 khác của Việt Nam đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Hiện vắc-xin này đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. IVAC dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vắc-xin/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư;
Bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, theo đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, các doanh nghiệp Việt cũng đang nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc-xin từ nước ngoài. Cụ thể, ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.
Một Tập đoàn lớn của Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với Nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA (vắc-xin này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg), có khả năng bảo vệ cao (dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2), có nhiệt độ bảo quản 20C - 80C, hiện tại vắc-xin đã kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2. Nhà máy do Tập đoàn này đầu tư theo chuẩn công nghệ của nhà sản xuất sẽ có công suất 100-200 triệu liều/ năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) đã hỗ trợ liên hệ với Công ty sản xuất vắc-xin của Nhật Bản theo công nghệ tiên tiến. Chưa kể, hiện nay, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.
Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Trước đó, ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech, cho biết, Vabiotech chỉ đảm trách phần gia công nên toàn bộ số vắc-xin thành phẩm sẽ do phía Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối. Bên cạnh đó, Vabiotech đang tích cực đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 nhanh chóng cung ứng cho Việt Nam.
Với vắc-xin nhập khẩu, hiện Việt Nam đã cấp phép cho 4 loại vắc-xin được sử dụng tại Việt Nam gồm vắc-xin Astrazeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer.