Trong quý II/2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 179,7 tỷ đồng, tăng 92,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1,19 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 0,24 tỷ đồng, tăng 0,95 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 122,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 57,84 tỷ đồng, lên 105,21 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 11,3%, tương ứng giảm 4,69 tỷ đồng, về 36,86 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 55%, tương ứng tăng thêm 34 tỷ đồng, lên 95,81 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 2,9%, tương ứng giảm 0,24 tỷ đồng, về 8,15 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lỗ 31,81 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 14,23 tỷ đồng, tức tăng lỗ thêm 17,58 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lợi nhuận giảm 26,3% và hoàn thành 6,4% kế hoạch năm
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 193,75 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1,32 tỷ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, trong năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20,5 tỷ đồng, tăng 241,7% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Năm Bảy Bảy mới hoàn thành được 6,4% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, trong năm 2022, Năm Bảy Bảy cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 102 tỷ đồng nhưng cuối năm, kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty lần lượt ghi nhận doanh thu giảm 17,5%, về 466,36 tỷ đồng và hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu; lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng và hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính của Năm Bảy Bảy tiếp tục ghi nhận âm 98,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 904,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 1.002,3 tỷ đồng và dòng tiền tài chính ghi nhận dương 1.274,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh doanh và mở rộng đầu tư.
Trước đó, theo dữ liệu SSI iBoard, Năm Bảy Bảy vừa trải qua hai năm dòng tiền kinh doanh âm liên tục. Trong đó, năm 2021 ghi nhận âm 103,18 tỷ đồng và đặc biệt trong năm 2022, dòng tiền âm kỷ lục 1.144,13 tỷ đồng.
Nợ vay tiếp tục “phình to”, nâng hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu lên hơn 2,12 lần
Tính tới 30/6/2023, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 12,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 795,4 tỷ đồng, lên 7.182,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 2.030,6 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.611,1 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.553,6 tỷ đồng, chiếm 21,6% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.297,1 tỷ đồng, chiếm 18,1% tổng tài sản.
Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu dài hạn tăng 27,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 443,4 tỷ đồng, lên 2.030,6 tỷ đồng; tồn kho tăng 14,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 198,1 tỷ đồng, lên 1.553,6 tỷ đồng.
Cơ cấu phải thu tại thời điểm 30/6/2023 (Nguồn: NBB) |
Công ty có thuyết minh phải thu tăng đột biến, chủ yếu do phải thu góp vốn hợp tác đầu tư ngắn hạn 345,5 tỷ đồng (cùng kỳ 0 tỷ đồng). Trong đó, Công ty hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm triển khai hoạt động kinh doanh tại các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, đối với phải thu dài hạn, chủ yếu là khoản vốn góp hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII) với giá trị 2.007,5 tỷ đồng (đầu năm 1.566,1 tỷ đồng) về việc đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ Cao ốc 152 Điện Biên Phủ (giá trị 1.150 tỷ đồng) và hợp tác đầu tư dự án Xa Lộ Hà Nội (giá trị 857,49 tỷ đồng).
Năm Bảy Bảy có nhiều giao dịch với bên liên quan là CII (Nguồn: BCTC) |
Ngoài ra, tính cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 23,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 738,5 tỷ đồng, lên 3.868,6 tỷ đồng và bằng 212,4% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 172% vốn chủ sở hữu).
Được biết, theo dữ liệu SSI iBoard, tại thời điểm đầu năm 2022, tỷ lệ nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) trên vốn chủ sở hữu của ngành là 67%.
Như vậy, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của Năm Bảy Bảy đang cao hơn nhiều lần so với trung bình của ngành.
Năm Bảy Bảy hủy kế hoạch chào bán 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
Một diễn biến đáng lưu ý khác, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 24/5/2023, Năm Bảy Bảy bất ngờ thông qua kế hoạch hủy bỏ phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu được thông qua ngày 2/11/2022.
Lý do được Công ty đưa ra do khi có kế hoạch chào bán, giá cổ phiếu NBB của Công ty nằm quanh mức 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu, song do tình hình bất lợi về tình hình kinh tế nên tới thời điểm hiện tại giá cổ phiếu của Công ty dao động ở mức 12.000 - 13.000 đồng/cổ phiếu, nên không thể chào bán với giá 15.000 đồng/cổ phiếu như kế hoạch cũ. Vì đó, Ban Giám đốc cũng chưa thể triển khai được kế hoạch trên.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 vào ngày 2/11/2022, Năm Bảy Bảy thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Ước tính, Công ty sẽ phát hành thêm 50.079.897 cổ phiếu để huy động 751,2 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi và 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi – Bình Thuận.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu NBB tăng 250 đồng lên 16.450 đồng/cổ phiếu.