Động lực tăng trưởng 9 tháng đầu năm của NCB đến từ dịch vụ5* |
Kiểm soát tốt rủi ro, tăng trưởng khả quan
NCB vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của NCB đạt trên 81 nghìn tỷ đồng; thu nhập lãi thuần tăng 25% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng cũng như tăng cường công tác xử lý, thu hồi nợ… Các hoạt động khác cũng đóng góp tích cực vào lợi nhuận ngân hàng như: thu từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư…
Song song với việc thúc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, các biện pháp kiểm soát rủi ro cũng được NCB thực hiện nghiêm ngặt. Các hoạt động quản trị rủi ro, xử lý nợ - thu hồi nợ đạt kết quả tốt… đã giúp chất lượng tín dụng của ngân hàng được giữ vững, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,9%.
Theo đại diện lãnh đạo NCB, một loạt những biện pháp kinh doanh linh hoạt, quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động đã mang lại cho NCB một kết quả lợi nhuận ổn định trong quý III. Thu nhập từ lãi không còn là động lực trong quý III, thay vào đó, NCB đã gia tăng thu từ hoạt động dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ số hóa mà ngân hàng đã triển khai từ năm 2020 và quý I /2021 đã giúp ngân hàng gia tăng thu nhập.
Trong quý II-III/2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và tới các khách hàng của NCB nói riêng. NCB đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: giảm 0,5% – 2% lãi suất cho khách hàng, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn phí nhiều loại dịch vụ... Với các chương trình giảm lãi suất trực tiếp, NCB đã chủ động hỗ trợ cho hơn 1.000 khách hàng, tương ứng với tổng dư nợ khoảng 8.700 tỷ đồng. Các biện pháp hỗ trợ này được triển khai đồng thời cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Đại diện lãnh đạo NCB cho biết, việc áp dụng các chính sách ưu đãi lãi suất và giảm lãi suất cho vay có ảnh hưởng nhất định đến thu nhập từ lãi của ngân hàng, tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, NCB tiếp tục cùng đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng, hỗ trợ khách hàng hiện hữu và khách hàng mới thông qua việc giảm lãi suất cho vay.
NCB cũng sẽ tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng trong quý IV nhằm nâng cao năng lực tài chính và triển khai các kế hoạch trọng điểm như: Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ...
Đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh
Quá trình chuyển đổi số được NCB triển khai ráo riết nhằm đem lại lợi ích tối đa cho khách hàng, tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh. Tới đây, NCB sẽ nâng cấp ngân hàng số dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Với nền tảng công nghệ hiện đại, ngân hàng sẽ mang đến những tiện ích và giá trị gia tăng, giúp tối ưu hóa lợi ích của khách hàng khi giao dịch.
Các sản phẩm dịch vụ số hóa mà NCB phát triển đã giúp trải nghiệm thanh toán trực tuyến của khách hàng được dễ dàng, thuận lợi. Khách hàng dễ dàng mở tài khoản, mở thẻ, thực hiện thanh toán dịch vụ, gửi tiết kiệm trực tuyến, chuyển tiền… và các dịch vụ ngân hàng khác 24/7 tại bất kỳ đâu, không cần đến ngân hàng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nhân viên ngân hàng. Những công nghệ đi đầu của NCB đã góp phần tích cực đẩy mạnh tiếp cận sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dùng và thúc đẩy phong trào xây dựng xã hội không tiền mặt.
Bên cạnh đó, NCB liên tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng giao dịch qua các dịch vụ số hóa nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch thuận tiện, an toàn trong mùa dịch như: Miễn toàn bộ phí giao dịch chuyển tiền qua ứng dụng NCB iziMobile và internet banking, ra mắt các dòng thẻ chip mới chuyên dùng cho mua sắm trực tuyến.