1.
Bằng là một người thông minh và giỏi giang, quê gốc ở Phú Yên. Ba mẹ Bằng đều có vị trí tốt tại địa phương, rất chú trọng việc giáo dục con cái theo nề nếp gia phong. Bằng vào Sài Gòn học đại học xong, cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa, cậu ở lại mảnh đất hào phóng này lập nghiệp.
Vốn có tư chất hơn người nên công việc của Bằng cũng ổn, dù cậu chỉ sống đơn thuần bằng đồng lương nghề nghiệp. Ở Sài Gòn, lương tháng chừng hơn 10 triệu không phải thấp, nhưng chỉ tính ở mức trung bình. Tiền ăn, tiền xăng xe, nhà trọ, chi phí sinh hoạt khác đương nhiên là ngốn sạch các khoản thu nhập của anh chàng trẻ tuổi này. Hơn thế, vì chưa vợ con nên làm ra bao nhiêu, Bằng cũng xài hết sạch bấy nhiêu.
Nhiều tháng cạn túi trước ngày lãnh lương còn phải đi vay anh em bạn bè chút ít tiền tiêu vặt. Kể ra các chi tiết cụ thể như vậy để thấy ở lứa tuổi dưới 30, trừ những nhân tố có sự hậu thuẫn gia đình hoặc may mắn làm việc ở các vị trí chủ chốt, hoặc thành đạt quá sớm, còn lại đa phần đều chưa thể tích lũy đủ khoản tiền lớn cho việc mua nhà hay sắm sửa xe hơi.
Má Bằng vì thương con, và cũng muốn có căn nhà ở Sài Gòn để mỗi lần vô thăm thì cả gia đình có chỗ sum họp, liền trích khoản tiền tiết kiệm ra để mua căn hộ. Bà đưa cho cậu con trai 200 triệu tiền đặt cọc trước, đinh ninh con trai đã tính mua căn hộ thế nào cho hợp lý. Ai dè cậu con có được khoản tiền lớn trong tay thì sung sướng quá, ăn xài cho đã.
Một thời gian sau, căn hộ chẳng thấy đâu mà số tiền má cho cũng không còn nốt. Cậu nói chuyện với tôi: “Em đã lỡ xài hết tiền của má rồi chị ơi. Em hùn vốn vào một quán cà phê với bạn bè, ngờ đâu anh em lại không hòa thuận, chỉ một thời gian ngắn thì quán đóng cửa. Số tiền đưa vào coi như mất trắng”. “Vậy em hùn toàn bộ số tiền má đưa sao?”, tôi xót ruột hỏi.
Bằng thiểu não: “Dạ không, em đã xài hết rồi. Em đi… tán gái, rồi cho thằng bạn mượn chục triệu, rồi chi tiêu linh tinh nữa. Sạch bách rồi! Má em cứ truy em hỏi hoài, nhưng em cứ ậm ậm ờ ờ, rồi trốn mất tiêu. Cứ mỗi lần về quê là em sợ, chỉ dám ở vài ngày chơi với gia đình, xong “zdọt” ngay. Bả biết em đã làm tan biến 200 triệu đồng đi trong chớp mắt thì chắc ăn ngủ không ngon”.
Tất nhiên, không cần quá nhiều thời gian, bà má tội nghiệp kia cũng hiểu cậu con trai của mình đã dại dột tiêu tán hết số tiền đã đưa. Từ đó, bà không đả động gì tới việc mua nhà ở Sài Gòn cho con nữa.
Mấy năm sau, Bằng lấy vợ - một nhân viên ngân hàng. Từ lúc có con, anh chàng này mới bắt đầu chí thú làm ăn. Toàn bộ lương thưởng của cơ quan nằm trong thẻ nơi ngân hàng của bà xã phát hành, nên đã bị “tịch thu” sạch sẽ. Muốn có thêm tiền xài hay lập quỹ đen, thì chỉ còn cách làm thêm thiệt nhiều. Nhờ vậy mà Bằng không còn thời gian tụ tập bạn bè đi chơi nữa. Tiền bạc cũng rủng rẻng hơn. Mới đây, Bằng thông báo đã mua căn hộ ở quận 2. Vợ chồng cậu chuẩn bị mua đồ nội thất để trang trí và sử dụng trong gia đình.
2.
Câu nói “an cư lạc nghiệp” thì ai cũng đã nghe rồi, thậm chí có bạn trẻ còn nói, vì nghe hoài mà chẳng thực hiện được thì bỏ qua đi. Có chỗ ở yên ấm - an cư - không tốn tiền đi thuê nhà, lại có thêm động lực để kiếm tiền sắm sửa vật dụng trong gia đình. Việc đó ai cũng hiểu. Nhưng từ “lạc nghiệp” có nghĩa hay hơn. Sự vui vẻ, sảng khoái trong công việc, hay chuyện hanh thông mọi sự rất cần một sự ổn định đúng nghĩa. Về tâm thế, về tinh thần. Đi thuê nhà cũng tốt thôi.
Tôi nghĩ là tùy theo từng hoàn cảnh mà áp dụng, làm sao mà bắt thiên hạ đều giống nhau được. Nhưng thuê nhà thì nay chuyển, mai chuyển, rồi tính cách người chủ nhà, rồi tính cách những người cùng ở chung, nói chung khá phức tạp. Và bao thứ linh tinh ấy đã chiếm dụng suy nghĩ trong bộ óc của chúng ta rồi.
An cư trước hay lạc nghiệp trước, phải tùy từng trường hợp mà áp dụng. Tất nhiên, mua được nhà thì quá hoàn hảo. Nhưng nói như ngôn ngữ của lớp trẻ hiện nay, đó là vì “nhà có điều kiện”!.