Ngân hàng - Bảo hiểm
Nên áp mức thuế nào với dịch vụ xuất khẩu vào khu chế xuất?
Mạnh Bôn - 22/08/2024 09:37
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, có áp mức 0% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ cung cấp cho khu chế xuất hay không phải dựa vào chiến lược phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Ảnh: Chí Cường

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh thuế GTGT đối với dịch vụ nhập khẩu mà nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam rất khó, cần phải quy định cụ thể vào Luật Thuế GTGT?

Phải khẳng định rằng, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài mặc dù không hiện diện (không đăng ký hoạt động hoặc không có văn phòng đại diện tại Việt Nam) vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Khoản thu này gọi chung là thuế nhà thầu, mà không ghi rõ là thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), nên nhiều người nghĩ rằng, Việt Nam không thu được thuế GTGT từ dịch vụ xuyên biên giới. Trên thực tế, Việt Nam vẫn thu đúng, thu đủ thuế nhà thầu, trong đó có thuế GTGT với thuế suất 10% đối với dịch vụ nhập khẩu.

Có nghĩa là không có chuyện thất thu thuế GTGT đối với dịch vụ nhập khẩu, thưa ông?

Đương nhiên là không. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, chỉ cần nhấp chuột là đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trước đây, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu dịch vụ phải nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, nhưng từ tháng 3/2022, Tổng cục Thuế đưa Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) vào vận hành. Đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Etaxvn.gdt.gov.vn, với tổng số thuế mà nhà cung cấp nước ngoài như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netfix, Apple... đã khai nộp trực tiếp qua Etaxvn.gdt.gov.vn trong 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Có thể nói, Việt Nam thu thuế nhà thầu rất tốt, đặc biệt kể từ khi đưa Etaxvn.gdt.gov.vn vào vận hành, việc đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế vô cùng thuận lợi, tạo điều kiện tối đa để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào.

Trên thế giới, thuế đánh vào dịch vụ nhập khẩu của đối tượng này được gọi chung là thuế nhà thầu, không phân rõ phần nào là thuế GTGT, phần nào là thuế nhập khẩu, phần nào là thuế thu nhập cá nhân, nên Luật Thuế GTGT cũng không cần quy định thêm cho phiền phức.

Thế còn hoạt động xuất khẩu dịch vụ, nhất là dịch vụ phần mềm thì sao. Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, phần mềm máy tính không thuộc đối tượng chịu thuế này, thưa ông?

Theo quy định hiện hành, 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT nên không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào, nhưng nếu xuất khẩu thì được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% và được hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Trong những năm gần đây, công nghệ phần mềm Việt Nam phát triển rất ấn tượng với nhiều thương hiệu tên tuổi như FPT, CMC...  Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã gia công, xuất khẩu phần mềm trị giá khoảng 7,5 tỷ USD vào năm 2023 và đều được hoàn thuế, khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Chính sách thuế GTGT mới vẫn tiếp tục hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu phần mềm.

Hiện tại, dịch vụ chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm máy tính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên sử dụng trong nước không được hoàn thuế GTGT đầu vào, vì vậy, với chủ trương thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT theo thông lệ quốc tế, tôi nghĩ, cần loại những loại dịch vụ này ra khỏi danh mục không chịu thuế, thay vào đó là áp thuế 5% hoặc 10% để hỗ trợ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào.

Theo ông, vướng mắc lớn nhất trong Luật Thuế GTGT hiện hành là gì?

Hiện tại, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp nội địa cung cấp vào khu chế xuất coi như hoạt động xuất khẩu nên được hoàn thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay, có quan điểm cho rằng, hàng hóa cung cấp cho khu chế xuất để tạo ra hàng hóa xuất khẩu hoặc tiêu dùng trong khu chế xuất thì áp thuế suất thuế GTGT 0% là đương nhiên vì là hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, với dịch vụ thì tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mặc dù trong khu chế xuất, nhưng sử dụng, tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam, thì không phải là hoạt động xuất khẩu, nên không thể áp dụng thuế suất 0% và hoàn thuế đầu vào.

Khúc mắc nằm ở chỗ, về không gian kinh tế thì khu chế xuất được coi như ở nước ngoài, nhưng về không gian địa lý thì khu chế xuất nằm trong lãnh thổ Việt Nam, dịch vụ do doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp tiêu dùng nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Theo đạo lý và chuẩn mực quốc tế, thì hàng hóa, dịch vụ được tiêu dùng trong lãnh thổ quốc gia nào thì quốc gia đó được quyền đánh thuế GTGT.

Vậy quan điểm của ông thế nào?

Doanh nghiệp nằm trong khu chế xuất đều là những doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vì vậy, Ban Soạn thảo Luật Thuế GTGT phải cân nhắc kỹ vấn đề này, nghiên cứu thông lệ quốc tế và các nước trong khu vực áp dụng thế nào. Hơn nữa, cần phải xem lại các cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài khi mời gọi họ đầu tư.

Các chính sách kinh tế của Việt Nam cần phải đồng bộ, thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực đang cạnh tranh gay gắt để thu hút vốn FDI chất lượng cao. Vì vậy, phải nghiên cứu hết sức thận trọng việc có hay không áp thuế GTGT 0%, hay đưa vào đối tượng không chịu thuế GTGT đối với dịch vụ cung cấp cho khu chế xuất, nhất là dịch vụ logistics, vì toàn bộ sản phẩm hàng hóa được làm ra trong khu chế xuất là để xuất khẩu nên chi phí logistics rất lớn.

Tin liên quan
Tin khác