Đầu tư
Nền tảng hợp tác đầu tư Nga - Việt là năng lượng
Tường Thụy - 26/08/2013 11:07
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn nhân dịp khai trương Chi nhánh Cơ quan Đại diện thương mại Nga tại TP.HCM vào cuối tuần qua, ông Alexey Likhachev, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, Phó chủ tịch Phân ban Nga của Ủy ban liên Chính phủ Nga - Việt về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật cho biết, hai nước đang tập trung đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí.

Sự kiện mở Chi nhánh Cơ quan Đại diện thương mại Nga tại TP.HCM có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng trong lúc quan hệ kinh tế song phương Nga - Việt đang phát triển mạnh mẽ. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam đang đặt ra yêu cầu khách quan là mở rộng các định chế phối hợp hành động giữa doanh nghiệp hai nước.

Ông Alexey Likhachev, Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga, Phó chủ tịch Phân ban Nga của Ủy ban liên Chính phủ Nga - Việt về Hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật

Ông đánh giá ra sao về quan hệ kinh tế giữa hai nước?

Kim ngạch thương mại song phương hai nước giai đoạn 2007 - 2012 tăng gấp 4 lần và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 28%.

Kim ngạch thương mại Nga - Việt năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD và chính phủ hai nước hy vọng con số này sẽ tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2015.

Nga và Việt Nam đã nâng quan hệ hợp tác lên tầm cao mới - giai đoạn hình thành các tiền đề để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác.

Hai bên đã khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan. Theo tính toán của các chuyên gia Nga, nếu khu vực thương mại tự do này được thành lập, kim ngạch thương mại Nga - Việt có thể tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2018.

Nga hiện có nhu cầu lớn về những mặt hàng nào từ Việt Nam, thưa ông?

Nga có nhu cầu khá lớn về thực phẩm, nông, thủy sản nhiệt đới. Nga cũng nhập hàng may mặc và giày dép Việt Nam. Chúng tôi đang từng bước tăng nhập khẩu thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gỗ và đồ gỗ từ Việt Nam. Ngoài ra, Nga còn nhập khẩu các mặt hàng khác từ Việt Nam, như chè, hạt điều, trái cây tươi, cao su tự nhiên…

Theo số liệu của chúng tôi, hơn 60% hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Nga được sản xuất ở miền Nam. Đặc biệt, với các mặt hàng như thủy sản, gạo, hạt điều, cao su tự nhiên, tỷ lệ này là 100%.

Hiện đầu tư của Nga vào Việt Nam tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực nào?

Nền tảng hợp tác đầu tư giữa Nga và Việt Nam hiện nay là năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí. Những “con chim đầu đàn” trong hoạt động này là Vietsovpetro và Vietgazprom và cả hai đang hoạt động rất hiệu quả.

Hơn một năm trước, hai chính phủ cũng đã ký hiệp định về hợp tác xây dựng một nhà máy điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận.

Ông có thể cho biết thêm thông tin về dự án nhà máy điện nguyên tử?

Đây là chương trình hợp tác tổng hợp để Nga giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực điện nguyên tử, chứ không chỉ là xây dựng một nhà máy điện tại Ninh Thuận. Chương trình bao gồm việc xây dựng nhà máy, cung cấp thiết bị, đào tạo các nhà khoa học nguyên tử, kỹ sư điện hạt nhân, công nhân và các khoản viện trợ tài chính.

Dự án này đang ở bước đầu tiên là nghiên cứu để triển khai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, yêu cầu cao nhất của Dự án là bảo đảm an toàn và công nghệ hiện đại nhất của Nga hiện nay sẽ đáp ứng yêu cầu này.

Hai nước còn có thể tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực nào, thưa ông?

Hai nước có nhiều triển vọng hợp tác trong các ngành công nghiệp khai khoáng, thủy điện, chế tạo máy, sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao và tài chính.

Một lĩnh vực khác đang phát triển mạnh, đó là cung cấp dịch vụ du lịch cho công dân Nga. Năm 2012, số lượng khách du lịch từ Nga đến các khu nghỉ dưỡng ở miền Nam Việt Nam tăng tới 71,5%, đạt con số 174.000 lượt khách. Hiện có 2 dự án đang phát triển là Tổ hợp khách sạn Russian Cam Ranh Development và Dự án Phát triển vùng duyên hải Nha Trang Investment Park.

Tin liên quan
Tin khác