Doanh nghiệp
Nên thu tiền chênh doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi đưa vào quỹ bình ổn
Nguyễn Quỳnh - 22/03/2016 14:43
Ngoài việc điều chỉnh văn bản liên quan nhà nước cần đưa khoản tiền doanh nghiệp được hưởng từ cách tính chênh lệch thuế vào quỹ bình ổn giá.
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội

Trao đổi với báo giới liên quan đến câu chuyện chênh lệch trong tính thuế nhập khẩu xăng dầu, gây thiệt cho người tiêu dùng, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu dựa trên mức giá nhập khẩu đối với thị trường thông thường, không tính theo mức thuế thấp nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Vì vậy, trong khi khối lượng xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Hàn Quốc là không có thuế, nhưng giá bán trong nước lại theo giá cơ sở do Liên bộ Công Thương - Tài chính cho phép là theo thị trường thông thường có thuế. Điều này dẫn đến giá bán xăng dầu không phù hợp với tình hình thực tiễn, doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu có cơ hội tăng lợi nhuận không đến từ hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, về phía nhà nước, khi các thị trường ASEAN và Hàn Quốc tính thuế theo hợp đồng, không thu thuế đối với xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu, nhưng do đây là cam kết quốc tế mỗi quốc gia phải thực hiện khi đã đồng thuận kí mở cửa thị trường. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng vẫn phải chịu mua xăng với giá cao như khi chịu thuế ở mức cao đối với các thị trường thông thường thì đây là vấn đề cần phải được xem xét xử lý

Theo ý kiến của ông Thụ, để xử lý việc này, trước hết cơ quan quản lý cần sửa ngay các văn bản liên quan, nhất là quy định tính giá cơ sở với các cam kết quốc tế, bảo đảm hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tiếp đến, Nhà nước cần đưa khoản tiền chênh lệch DN được hưởng thời gian qua vào quỹ bình ổn giá để sử dụng khi giá xăng dầu tăng cao. Bởi nếu trả ngay số tiền đó cho người dân sẽ rất khó, bởi chúng ta chưa có cơ sở pháp lý cho vấn đề này.

“Bản chất của sự việc này là DN không vi phạm quy định, họ chỉ tuân thủ theo cơ chế điều hành của Nhà nước. Vì thế chỉ còn cách đưa số tiền chênh lệch này vào quỹ bình ổn để sử dụng lâu dài”, ông Thụ nói.

Cũng theo ông Thụ, vấn đề quản lý nhà nước trong sự việc này rõ ràng là có sơ hở, bất cập. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhưng theo quy định, ở đây là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, khi Chính phủ giao cho liên bộ để xác định giá xăng dầu cơ sở, điều này liên quan đến quy định việc ban hành các văn bản pháp luật. Việc xác định giá xăng dầu cơ sở của liên bộ chưa phù hợp với thực tiễn, giá xăng dầu cơ sở lại được xác định bằng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giao của liên bộ.

“Trên thực tế nếu một số văn bản quy phạm pháp luật chưa thật phù hợp với tình hình thực tiễn, trách nhiệm chắc hắn thuộc về cơ quan ban hành. Động tác đầu tiên là cần sớm sửa đổi văn bản để phù hợp với tình hình thực tiễn”, ông Thụ chỉ rõ. 

Trong 2 năm gần đây, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã giảm mạnh, kéo giá xăng dầu giảm nhưng giá xăng dầu bán ra trong nước không giảm theo tỷ lệ giảm của giá xăng dầu cũng như giá dầu thô trên thị trường thế giới. Theo ông Thụ, điều này do nhiều nguyên nhân, ngoài việc cung cầu về xuất nhập khẩu xăng dầu còn có một nguyên nhân khác là trong nước có điều chỉnh một số loại thuế đặc biệt như thuế bảo vệ môi trường để điều tiết một phần do hụt thu từ dầu thô và hụt thu ngân sách. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng dầu hằng năm vừa đảm bảo hỗ trợ cân đối ngân sách nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo giá xăng dầu ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác