Nguồn thu từ đất đai để lại 100% cho địa phương tạo điều kiện cho địa phương có nguồn chủ động trong việc chi đầu tư phát triển. Vì sao ông lại cho rằng, việc để lại khoản thu từ đất đai cho địa phương là không công bằng?
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ |
Nguồn thu từ đất đai bao gồm: thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất; tiền cho thuê nhà và bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và lệ phí trước bạ nhà đất. Hàng năm, nguồn thu từ nhà đất đóng góp vào NSNN vô cùng lớn, đặc biệt là số thu từ tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho tổ chức, cá nhân. Đơn cử năm 2014, tổng thu nội địa trừ dầu thô là 580.100 tỷ đồng, thì nguồn thu từ tiền sử dụng đất đóng góp tới 45.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có số thu từ tiền sử dụng đất lớn, mà chỉ là những địa phương có lợi thế, giá nhà đất cao, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất sôi động nhờ thị trường bất động sản. Chính vì vậy, một số địa phương có lợi thế nhờ nguồn thu ngân sách hàng năm rất lớn có nguồn để chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý; đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính của Nhà nước…, còn các địa phương khác thì không có tiền để thực hiện các nhiệm vụ chi này.
Đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là vô cùng quan trọng. Để khoản này cho địa phương chủ động cải tạo, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là cần thiết, thưa ông?
Cải tạo, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đúng là cần thiết. Nhưng địa phương nào thu được nhiều, thì đầu tư nhiều, địa phương nào thu ít, thì đầu tư ít sẽ dẫn tới mất công bằng vì sự chênh lệch vùng miền, địa phương ngày càng lớn. Người dân sống ở đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… ngày càng được thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần, cơ sở hạ tầng nhiều hơn các nơi còn lại.
Ngoài ra, theo ông, việc để lại toàn bộ các khoản thu từ đất đai cho địa phương còn dẫn tới hệ lụy gì nữa?
Theo quy định, trong thời kỳ ổn định ngân sách (3 - 5 năm), địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hàng năm mà ngân sách địa phương được hưởng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chính vì được chủ động sử dụng nguồn tăng thu được hưởng 100%, nên chính quyền nhiều địa phương rất tích cực khai thác nguồn thu từ đất đai, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần để tăng thu ngân sách, có nguồn đầu tư vào các công trình, dự án nhằm “để lại dấu ấn” theo kiểu tư duy nhiệm kỳ.
Tài nguyên đất đai có hạn, nếu nhiệm kỳ này chính quyền địa phương khai thác triệt để thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần, thì chính quyền địa phương ở những nhiệm kỳ sau không còn nguồn thu để tiếp tục đầu tư vào cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nữa.
Thực tế cho thấy, rất nhiều địa phương khai thác triệt để nguồn thu từ đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau. Và khi “trong tay sẵn có đồng tiền”, việc chi tiêu cũng mạnh tay hơn, ngoài hoạt động chi đầu tư phát triển, nhiều địa phương còn tăng chi an sinh xã hội đối với các đối tượng do địa phương quản lý; trợ giá theo chính sách của Nhà nước… Trong trường hợp nguồn thu từ đất đai cạn kiệt, các công trình, dự án không phát huy hiệu quả, không đem lại nguồn thu cho ngân sách thì lấy gì để tiếp tục tăng chi an sinh xã hội, trợ giá… vì đã trót chi cao hơn các địa phương khác rồi không thể giảm được nữa?
Vậy theo ông, có nên chuyển toàn bộ khoản thu từ đất đai vào NSNN, sau đó, địa phương nào đầu tư cái gì sẽ được NSNN rót vốn trở lại?
Các khoản thu khác từ đất đai, ngoài tiền sử dụng đất không lớn. Cụ thể, năm 2015, theo dự toán, thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chỉ có 1.330 tỷ đồng, thuế sử dụng đất nông nghiệp 33 tỷ đồng, thu tiền cho thuê đất 6.422 tỷ đồng; nguồn thu thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cũng không lớn, trong khi thu từ tiền sử dụng đất lên tới 39.405 tỷ đồng.
Vì vậy, chỉ nên thu tiền sử dụng đất vào NSNN và địa phương nào đầu tư vào các công trình, dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội bao nhiêu sẽ được NSNN cấp trở lại theo đúng Luật Đầu tư công. Các khoản thu khác từ đất đai vẫn nên để lại 100% cho địa phương để địa phương có thêm nguồn chủ động chi theo các nhiệm vụ theo Luật NSNN như chi cho các hoạt động sự nghiệp kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế, xã hội, văn hóa - thông tin, văn học -nghệ thuật, thể dục - thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, hoạt động sự nghiệp khác do địa phương quản lý, chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền mà huy động cho đầu tư phát triển…
Địa phương được để lại 100% tiền bán đất () Từ ngày 15/2/2015, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định 71/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Nhiều lý do để 'om' tiền sử dụng đất Nợ tiền sử dụng đất không chịu trả, "dọa" thu hồi dự án bỏ hoang cũng không xong. |
Tiền sử dụng đất: Gánh nặng vẫn nặng! Khi doanh nghiệp (DN) vẫn còn gánh nặng tiền sử dụng đất thì cơ hội giảm giá thành nhà ở cho người dân sẽ thấp hơn. Đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM. |
Mạnh Bôn