Giấc mơ ô tô giá rẻ của người Việt khó thành hiện thực. Ảnh: L.Bằng |
Tốn thêm tiền để đi... thử nghiệm
Dự thảo Nghị định Quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô đang được Bộ Công Thương xây dựng và hoàn thiện. Dự thảo lần 2 đang được lấy ý kiến trên website của Bộ này.
Thế nhưng, bản dự thảo lần 3 của Nghị định này đang được hoàn thiện lại có thêm những điều kiện mới khắt khe hơn.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 6 về Trách nhiệm bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp và ô tô nhập khẩu, dự thảo quy định: Ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm theo quy định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng lô nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Đây là điểm mới được Bộ Công Thương bổ sung trong dự thảo lần 3, không có trong dự thảo lần 2.
Giới kinh doanh ô tô chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý liên quan đến quy định mới mẻ này.
Chia sẻ với PV, ông Đặng Thành Lâm, chủ doanh nghiệp Đệ Nhất Auto, cho rằng: Thông thường theo quy chuẩn quốc tế cũng như đối với các hãng sản xuất trên thế giới, khâu thử nghiệm của các nhà sản xuất rất nghặt nghèo và phức tạp. Họ thử nghiệm về kỹ thuật, động cơ, khí thải... Không hiểu sao về Việt Nam vẫn phải thử nghiệm lại.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, mỗi lô hàng ô tô nhập khẩu là 1 tờ khai. Một lô hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ thường nhập 3-10 xe. Quy định tại dự thảo mới, mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang 1 chiếc xe trong chủng loại đó đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ... Chi phí chính thức cho 1 thử nghiệm như thế từ 40-100 triệu, tùy yêu cầu của Cục Đăng kiểm và loại xe. Thông thường, để ra được một chứng nhận về kết quả thử nghiệm phải mất 2 tháng. Sau 2 tháng, doanh nghiệp mới được phép bán xe đó tới người tiêu dùng.
“Như thế, tổng hợp lại mỗi lô hàng mất chi phí tối thiểu 40 triệu và thời gian tối thiểu 2 tháng để được bán xe đó ra thị trường”, ông Lâm nói và cho rằng, quy định thử nghiệm với xe nhập khẩu như thế là rất bất cập, các doanh nghiệp nhập khẩu vừa và nhỏ không thể đủ điều kiện để đáp ứng.
Ông Trần Văn Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh quốc tế Đại Việt, quan điểm việc thử nghiệm với từng lô hàng nhập khẩu là không phù hợp.
“Tôi thấy trước đây là chỉ lấy 1 xe thôi để làm đại diện cho mẫu xe ấy, những lô hàng sau cùng mẫu xe ấy thì không cần làm thử nghiệm lại. Nhưng bây giờ mỗi lô hàng nhập về, lô trước lô sau đều giống nhau. Nhập khẩu 1 xe hay 5 xe đều phải đi thử nghiệm. Thế là lãng phí. Công chức chắc chả đủ để đi làm việc đó”, ông Trần Văn Trung phân tích.
Giới kinh doanh xe tải cũng giật mình
Hoạt động từ 2007, chuyên kinh doanh ô tô tải nặng các loại, ông Phạm Văn Công, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại ô tô quốc tế cũng không khỏi giật mình trước quy định mới này.
Ông Phạm Văn Công cho biết: Thử nghiệm động cơ Euro 4, nhanh là 2 tháng có kết quả, chi phí thực tế có hóa đơn là hơn 100 triệu, hiện công ty ông làm theo mẫu.
"Chẳng hạn, tôi nhập một mẫu ô tô về, tôi đề nghị cơ quan đăng kiểm đi kiểm tra thử nghiệm, đánh giá. Nếu đạt tiêu chuẩn rồi tôi sẽ nhập khẩu hàng loạt và những lô sau của mẫu xe này được áp dụng theo mẫu thử nghiệm trên. Cơ quan đăng kiểm xuống kiểm tra 1 lần thôi", ông Công nói.
Ô tô tải nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nếu yêu cầu thử nghiệm được hiện thực hóa |
“Nhưng giờ dự thảo này yêu cầu thử nghiệm theo lô hàng, tức từng đợt nhập hàng. Ví dụ đợt này tôi nhập về 10 xe, tôi lấy 1 trong 10 xe ra thử nghiệm, cái này đạt thì lô đó thoát. Lô sau nhập khẩu cũng 10 chiếc xe này, lại vẫn phải làm mẫu thử nghiệm như thế nữa, gây tốn kém mất thời gian, làm giảm sức cạnh tranh, gây phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Công lo lắng.
“Tôi kiến nghị làm như hiện tại, thử nghiệm mẫu cùng chủng loại 1 lần. Các lô hàng tiếp theo thì áp dụng như mẫu đã thử nghiệm. Như thế tránh lãng phí cho doanh nghiệp, nhà nhập khẩu. Cơ quan đăng kiểm cũng không thể có lực lượng đâu mà làm nhiều như thế cả”, ông Công đề nghị.
Sau cùng, với nhiều loại chi phí như chi phí thử nghiệm (tối thiểu 40 triệu/lô hàng), đầu tư trạm bảo hành bảo dưỡng (tối thiểu 10 tỷ)... thì giá ô tô khó lòng giảm mạnh. Thế nên, dù năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô Thái Lan, ô tô Indonesia giảm từ 30% về 0%, ô tô giá rẻ vẫn chỉ tồn tại trong giấc mơ của người Việt.