Tăng số lượng và các ca ngộ độc thực phẩm
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm, tăng 2 vụ so với 9 tháng năm 2023. Ngoài ra, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng hơn 2 lần, số vụ có người mắc (trên 30 người) cũng tăng.
Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc qua xét nghiệm có vụ do vi sinh vật Salmonela trong thịt nguội, trong các món gà, trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa hay vi sinh vật Bacillus cereus trong canh chua thịt giá đỗ, vi sinh vật Staphylococus aureus trong Mì Quảng…
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 9 tháng năm 2024, cả nước đã xảy ra 111 vụ ngộ độc thực phẩm. |
Từ các vụ ngộ độc nói trên cho thấy, việc thực hiện các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên.
Qua kiểm tra, có cơ sở không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người tham gia sản xuất, chế biến...
Thậm chí, có cơ sở không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định; không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.
Theo TS.Nguyễn Thị Phúc, nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã chỉ ra 31 mối nguy hiểm từ thực phẩm như: Norovirus, vi khuẩn Campylobacter spp, Non-typhoidal S. enterica, Enteropathogenic E.coli (EPEC), Enterotoxigenic E. coli (ETEC)…
Không chỉ tại Việt Nam, ngay cả những nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, hàng năm vẫn ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm. Chỉ tính riêng trong năm 2010, thế giới có khoảng 600 triệu ca bệnh và 420 nghìn ca tử vong do 31 mối nguy thực phẩm gây ra.
Theo các chuyên gia, các sự cố mất an toàn thực phẩm thời gian gần đây cho thấy vẫn còn những mối nguy hiện diện trong các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ hằng ngày.
PGS-TS.Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia nói rằng, các mối nguy sinh học, hóa học trong thực phẩm được đánh giá là có gây ra ngộ độc cấp tính như vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc thú y, phụ gia thực phẩm dùng quá liều lượng… hoặc tích lũy trong cơ thể gây ra ngộ độc mãn tính.
Các mối nguy có thể xuất phát từ quá trình sản xuất, nuôi trồng, quá trình bảo quản (như độc tố vi nấm, vi sinh vật…), đến quá trình lưu thông, phân phối và cả trong quá trình chế biến, sử dụng.
Đột phá các giải pháp ngăn thực phẩm bẩn tới tay người tiêu dùng
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác đánh giá nguy cơ trong việc hỗ trợ cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Đây được xem như bước đi có tính chiến lược và kịp thời trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân theo hướng quản lý dựa trên nguy cơ.
Theo đó, Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được thành lập theo quyết định số 1936/QĐ-BYT ngày 8/7/2024.
Trung tâm có chức năng xác định và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe gây ra bởi các tác nhân hóa học, sinh học, các tác nhân khác trong thực phẩm và các sản phẩm liên quan; tham mưu công tác quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Mặt khác, Trung tâm tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng mạng lưới thu thập - tổng hợp thông tin, dữ liệu; đào tạo, hợp tác trong nước và quốc tế về đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm theo quy định.
Nhiệm vụ của Trung tâm là xác định và đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm; tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; xây dựng mạng lưới thu thập - tổng hợp thông tin, dữ liệu; đào tạo - hợp tác trong nước và quốc tế; tham mưu công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm đề ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh đến 5 nhóm nhiệm vụ mà Trung tâm Đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm cần thực hiện sau khi đi vào hoạt động, gồm: Đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện các nghiên cứu, đánh giá nguy cơ trong chuỗi cung ứng thực phẩm; tham gia xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; xây dựng mạng lưới thu thập dữ liệu và thông tin về an toàn thực phẩm trên toàn quốc; trở thành cầu nối tham mưu cho công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Cùng với việc ưu tiên phát triển nguồn lực chất lượng cao cho Trung tâm, tiếp cận các tiến bộ công nghệ và kiến thức quốc tế, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cần chủ động đề xuất và thực hiện các nghiên cứu đánh giá đối với các mối nguy tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng thực phẩm, từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu dùng. Từ đó đưa ra các cảnh báo sớm và phòng ngừa kịp thời các nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Nhằm phục vụ việc đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm có hiệu quả, theo Bộ Y tế, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cần xây dựng mạng lưới thu thập dữ liệu và thông tin về an toàn thực phẩm trên toàn quốc.
Mạng lưới này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phân tích các nguy cơ mà còn cung cấp thông tin cần thiết cho các cơ quan quản lý, giúp nâng cao hiệu quả công tác giám sát.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cần tạo điều kiện để Trung tâm Đánh giá nguy cơ tích cực tham gia vào công tác xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Vấn đề này rất quan trọng để thiết lập các quy định chặt chẽ và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng sẽ là cơ sở để kiểm soát tốt hơn chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường lòng tin của người dân vào các sản phẩm tiêu thụ trong nước.