Thực tế cho thấy, khi những tranh cãi trên thị trường vận tải xung quanh chuyện cấm dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab chưa dứt, thì thị trường tài chính cũng xuất hiện nhiều vấn đề “nóng”, liên quan tới sự ra đời một loạt sản phẩm dịch vụ công nghệ số.
Đó là chuyện một số công ty tài chính vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có biện pháp “siết” hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) trên Internet. Đó là chuyện tiền ảo ở Việt Nam bị coi là bất hợp pháp, song trên thế giới, bitcoin lại được nhiều nước và nhiều tập đoàn danh tiếng chấp nhận. Thực tế từ đầu năm đến nay, đồng tiền này đã tăng giá hơn 200%, giúp nhiều nhà đầu tư thành tỷ phú.
. |
Ngoài tiền ảo, tiền điện tử, các phương tiện thanh toán số, mô hình cho vay P2P, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn khiến số lượng sản phẩm, dịch vụ số tăng chóng mặt.
Điều đó cho thấy, công nghệ ngày càng len lỏi sâu vào mọi mặt của đời sống người dân. Mới đây, Ngân hàng TPBank đã đưa trí tuệ nhân tạo (Al) vào phục vụ chăm sóc khách hàng. Với nền tảng Internet, điện toán đám mây, lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), sản sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đang giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính tốt hơn, thủ tục được giảm tối đa.
Vấn đề đặt ra là, các cơ quan quản lý cần làm gì để hạn chế hành vi lợi dụng công nghệ số để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế tại Việt Nam, nhiều loại tiền ảo như onecoin đang biến tướng thành loại kinh doanh đa cấp, khiến người dân nhiều nơi lao đao. Hay dịch vụ cầm đồ online thực chất là tín dụng đen với lãi suất cho vay cắt cổ. Hình thức huy động vốn P2P cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lửa đảo khi chủ sàn ôm tiền bỏ trốn…
Sự phát triển các loại tiền số, các phương thức thanh toán điện tử là xu thế tất yếu. Những sản phẩm này có mặt tích cực là mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng, song lại rất khó kiểm soát một khi loại hình này biến tướng. Công nghệ số phát triển ngày càng tinh vi còn kéo theo sự gia tăng của lỗ hổng bảo mật, là mảnh đất để tội phạm công nghệ cao hoành hành.
Đến nay, dù đã cấp giấy phép cho 20 trung gian thanh toán, nhưng NHNN mới có các văn bản pháp lý khá sơ khai quy định về hoạt động thanh toán điện tử. Nhìn chung, khung pháp lý vẫn còn trống, chưa bao phủ hết các hoạt động khác như cho vay trực tuyến, tiền ảo, tiền điện tử, thẻ ảo, cho vay tại các tiệm cầm đồ online…
Đã đến lúc phải thừa nhận rằng, ngân hàng số, tiền số hay các sản phẩm ngân hàng số sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, bởi đây là hệ quả tất yếu của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý có thể không khuyến khích, nhưng cũng không thể cấm các sản phẩm, dịch vụ này ra đời, mà chỉ có thể nghiên cứu kỹ để đưa ra hành lang pháp lý cho phù hợp.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Fintech để nghiên cứu thực trạng hệ sinh thái Fintech trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hy vọng, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ bám sát thị trường để có chính sách hợp lý, vừa đảm bảo thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng số, vừa bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời hạn chế các giao dịch bất hợp pháp, các dịch vụ biến tướng dưới dạng tiền điện tử, cũng như các dịch vụ ngân hàng khác phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.