Bất ngờ: Một số ngân hàng đang xin nới room tín dụng
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị tiếp tục được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.
Tín dụng trong tháng 10 quay đầu sụt giảm, nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng thấp, thậm chí tăng trưởng tín dụng âm. Mặc dù vậy, theo ông Quang, một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.
“Do đó, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế”, ông Quang cho hay
Báo cáo tài chính quý III/2023 cho thấy, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt. Tính tới cuối tháng 9/2023, VPBank tăng tín dụng 19%, Techcombank và HDBank đều có mức tăng trưởng tín dụng 13%, ACB tăng tín dụng 8,7%... cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình ngành (đến ngày 29/9 là 6,92%).
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950.000 tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.
“Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác”, ông Quang cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cho hay đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan này cũng đề nghị các tổ chức tín dụng cần tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nỗ lực tiết giảm chi phí; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục cho vay...
Tín dụng kinh doanh bất động sản nhiều ngân hàng tăng gần 50%
Báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh, trong khi cho vay cá nhân mua nhà tăng chậm.
Báo cáo của Bộ Xây dựng dẫn nguồn từ ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng (tức tăng khoảng 23,3% so với cuối năm 2022).
Khảo sát báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản (cho vay doanh nghiệp, chủ đầu tư) tăng rất mạnh trong khi cho vay cá nhân tăng rất chậm, thậm chí giảm.
Cụ thể, tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 45% lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.
Tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng (tăng so với tỷ trọng 26,4% cùng kỳ năm ngoái). Không thống kê riêng cho vay cá nhân mua nhà, song thống kê cho thấy, dư nợ cho vay cá nhân tại Techcombank giảm tới 9,2%. Đồng thời, tỷ trọng cho vay cá nhân tại 30/9/2023 cũng chỉ còn hơn 42%, giảm mạnh từ mức 53% cùng kỳ năm ngoái.
Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng 20% trong khi cho vay cá nhân chỉ tăng 5,8%.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố số liệu tín dụng bất động sản mới nhất. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 6/2023, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 17,41%, trong khi dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản không những không tăng mà còn giảm 112%.
Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm, song hầu hết chỉ giảm với khoản vay mới, khoản vay cũ ở nhiều ngân hàng khối tư nhân vẫn rất cao, có ngân hàng lên tới 15%. Thêm vào đó, thu nhập người dân sút giảm, giá nhà ở neo cao, thiếu hụt nhà ở phân khúc giá trung bình… là nguyên nhân khiến cá nhân vẫn chưa mặn mà vay mua nhà.
Về trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, theo Bộ tài chính, tính đến ngày 15/9/2023, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% giá trị phát hành (gần 57.000 tỷ đồng). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).
Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách, khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các Dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai, và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn....
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.
Đồng thời, khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ; Chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng…
Tín dụng quay đầu giảm trong tháng 10/2023, Ngân hàng Nhà nước nêu 3 lý do
Sau khi khởi sắc đáng mừng trong quý II/2023, tín dụng bất ngờ sụt giảm trong tháng 10/2023. Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 lý do và cho biết còn gần 1 triệu tỷ đồng dư địa tăng tín dụng trong 2 tháng cuối năm.
27/10/2023, tại Hà Nội, ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Công điện 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023 và đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 24/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,81% so với cuối năm 2022, trong đó từ tháng 5 trở lại đây, tín dụng đã tăng nhanh hơn. Tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 6,5 triệu tỷ đồng, chiếm trên 50% dư nợ toàn nền kinh tế.
Trước đó, NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tại thời điểm 29/9 là 6,92%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng trong tháng 10/2023 (tính tới 24/10) đã quay đầu giảm 0,11%.
Tín dụng giảm bất chất từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trung bình hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, toàn hệ thống còn khoảng 8% để tăng trưởng tín dụng, tương đương cung ứng thêm 950 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nền kinh tế.
“Xét về cân đối cung - cầu tín dụng cho thấy hệ thống đang dư cung tín dụng rất lớn. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác”, ông Quang cho biết.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, có 3 nguyên nhân lớn khiến tín dụng tăng chậm. Thứ nhất, trong bối cảnh khó khăn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, dẫn tới cầu tín dụng giảm tương ứng.
Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu tín dụng nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhất là việc tiếp cận tín dụng của nhóm SMEs còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi...
Thứ ba, sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng vay được các TCTD đánh giá cao hơn, khi khách hàng vay không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng trả nợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, trong thời gian tới NHNN tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện Công điện nêu trên, NHNN đang đưa ra một số giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ hai, điều hành tín dụng linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và không chủ quan với lạm phát.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiện còn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nhiều tổ chức tín dụng tăng trưởng âm hoặc thấp song một số tổ chức tín dụng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt và đề nghị NHNN tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2023.
“Do đó, NHNN đang khẩn trương rà soát để có phương án điều hành tín dụng những tháng cuối năm 2023 hợp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có khả năng tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế”, ông Quang cho hay.
Thứ ba, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn thị trường, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các giải pháp, chính sách điều hành từ phía NHNN như đề cập ở trên, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng cần tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; nỗ lực tiết giảm chi phí; Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục cho vay...
Gói 120.000 tỷ nhà ở xã hội giải ngân chậm: Nguồn cung thiếu hay ngân hàng cho vay quá “chặt tay”?
Hiện nay, Chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (gói 120.000 tỷ đồng) mới được BIDV và Agribank giải ngân gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh.
Có 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đăng ký tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với mỗi ngân hàng đăng ký 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có TPBank đăng ký tham gia với số tiền là 5.000 tỷ đồng. Cả 5 ngân hàng này đều đã ban hành quy trình nội bộ có văn bản hướng dẫn triển khai chương trình thống nhất trên toàn hệ thống.
Tính đến nay, đã có 18/63 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục Dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 43 dự án và 3 UBND tỉnh công bố trên cổng thông tin điện tử (Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An) với 9 dự án. Tổng nhu cầu vay vốn của 52 dự án này là hơn 27.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, hiện tại mới chỉ BIDV và Agribank giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh và Bắc Ninh.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), có nhiều nguyên nhân khiến gói tín dụng này giải ngân chậm.
Thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn làm cơ sở để các ngân hàng tiếp cận dự án.
Thứ hai, một số dự án Nhà ở xã hội còn thiếu tính hấp dẫn đối với người mua do vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng,… không thuận lợi.
Thứ ba, cơ chế chính sách về đất đai, về lợi nhuận định mức ….chưa hấp dẫn và chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hộ.
Thứ tư, một số chủ đầu tư đã được tổ chức tín dụng hướng dẫn các thủ tục vay vốn, tuy nhiên chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn theo quy định.
Thứ năm, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như: Điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
Để tăng tốc gói tín dụng này, ngoài sự nỗ lực của ngành ngân hàng, NHNN cũng đề nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các NHTM tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP.
Đồng thời, các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản như thị trường chứng khoán, TPDN, FDI....
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố.
Ngân hàng rầm rộ công bố báo cáo tài chính quý III, lộ diện quán quân lợi nhuận
Tính tới thời cuối tuần này, đã có 21 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với 11/21 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Đã có 12 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ngàn tỷ đồng.
Xét về con số tuyệt đối, Vietcombank đang là quán quân lợi nhuận với tổng số lợi nhuận lũy kế 9 tháng là gần 30.000 tỷ. Xét về tốc độ tăng trưởng, Sacombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng 9 tháng tốt nhất (tăng 54%). Hiện có một ngân hàng duy nhất ghi nhận thua lỗ sau 9 tháng là NCB.
Trong khi lợi nhuận sụt giảm, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trở lại.
Tại BacABank, tổng nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 9 là 762,3 tỷ đồng, tăng đến 48,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt gần 145 tỷ đồng, tăng tới 245%; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 289% lên mức 193 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý III/2023.
Còn ở PGBank, nợ xấu đến cuối tháng 9 đã tăng lên mức 796 tỷ đồng. Mức tăng mạnh nhất là nợ nhóm 3 từ 62 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 176 tỷ đồng vào cuối quý III. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ở mức 436 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61% vào cuối quý III.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng vọt từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,21% trong quý II và lên 2,97% vào cuối quý III.
Nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý III/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%...
Nợ xấu nội bảng của ABBAnk cuối tháng 9/2023 là 4,6% trong khi cuối năm 2022 mới chỉ 2,9%...
Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản nợ được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...) cuối tháng 7/2023 ở mức 6,16%.
Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mới đây, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) thông tin: nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%.
"Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01 sửa đổi và Thông tư 02 hết hạn khoanh, giãn, hoãn nợ", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, các ngân hàng chia sẻ, việc xử lý nợ xấu hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng gặp thách thức.
Tiền gửi tiết kiệm ùn ùn tăng mạnh, ngân hàng huy động 100 đồng mới cho vay được 76,6 đồng
Cuối năm ngoái, tỷ lệ cho vay/tiền gửi tại nhiều ngân hàng vượt 100%, nhưng hiện nay, ngân hàng huy động 100 đồng thì chỉ cho vay được 76,6 đồng.
Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống là 76,67%, con số này còn thấp khá xa so với trần tối đa là 85%.
LDR ở khối ngân hàng thương mại nhà nước là 82,23%, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần là 78%, ở khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài là 42,5%...
Sở dĩ tỷ lệ LDR của các ngân hàng ở mức thấp là do tín dụng tăng chậm trong khi tiền gửi dân cư tiếp tục tăng mạnh.
Đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức kinh tế gửi tiền vào ngân hàng cũng tăng trở lại sau khi giảm tháng trước.
Cụ thể, trong tháng 8, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng gần 44.000 tỷ đồng. Con số này tăng 6,5 lần so với tháng 7 và là mức tăng theo tháng cao nhất, nếu so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Tính chung 8 tháng, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 9,7% so với đầu năm, đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng thay vì giảm như tháng 7/2023. Tính đến hết tháng 8, tiền gửi của các tổ chức ở mức 6,013 triệu tỷ đồng, tăng hơn 1% so với cuối năm ngoái.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường rất thấp, chỉ 5,1- 5,7%/năm kỳ hạn 12 tháng tùy theo ngân hàng.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.
Trao đổi với báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, sở dĩ lãi suất giảm nhưng người dân vẫn tăng gửi tiền vào ngân hàng do nền kinh tế vẫn còn nhiều gam màu tối và nhà đầu tư không dám “tất tay”, mà vẫn dành một phần gửi tiết kiệm.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng
Nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng, nhưng trước những tín hiệu tích cực của thị trường, các ngân hàng kỳ vọng, nợ xấu sẽ sớm được kiểm soát.
Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%. Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/9/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%. Trong tài liệu Đại hội bất thường dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10 này, PGBank đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3%.
Nợ xấu tại Bac A Bank tăng từ 0,55% hồi đầu năm lên 0,7% cuối quý II và 0,77% cuối quý II/2023. Dù vậy, Bac A Bank tiếp tục nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Còn tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục sụt giảm, từ 204% hồi đầu năm, tới cuối quý III/2023 đã xuống 144%. Tổng nợ xấu tại ngày 30/9 của TPBank cũng tăng đột biến lên gấp 4 lần so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,84% đầu năm lên 2,97%. Nợ xấu có xu hướng gia tăng nhưng có kiểm soát, do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, người vay vốn có xu hưởng yếu đi trong môi trường lãi suất cao.
Chuyên gia phân tích của VPBankS cho rằng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, trong khi lãi suất cao đang phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý III/2023.
Loạt yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng khiến tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023. Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Với tỷ lệ này, số dư nợ xấu của toàn hệ thống đến cuối tháng 7 là hơn 440.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là SCB, Dong A Bank, CBBank, OceanBank và GPBank. Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%. Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.
Trước đó, đầu năm 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối năm 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022. Tuy nhiên, do Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu “đóng băng” cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống. Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6/2023 vượt 3%, gồm: NCB, ABBank, BVBank, VPBank, VietBank, OCB, PGBank.
Lãnh đạo một số nhà băng cho rằng, nhiều khả năng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào quý IV năm nay và có xu hướng giảm dần từ đầu năm sau. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, nợ xấu tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp trước điều kiện thị trường có khó khăn.
“Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh. Nhưng phải đến cuối quý IV/2023 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh thì hợp lý hơn hoặc đầu năm 2024. Kinh tế vẫn khó khăn khiến không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều, trong khi, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều. Quý IV/2023 được kỳ vọng thị trường hồi phục thì nợ xấu mới đạt đỉnh”, TS. Huân nói và cho rằng, những chính sách giải cứu thị trường của Chính phủ và NHNN có thể phải tới quý IV/2023 mới bắt đầu phát huy hiệu quả. Vả lại, tốc độ giảm của nợ xấu còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản... Nếu thị trường bất động sản ấm lên khả năng sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động khi diễn biến xung đột Nga - Ukraine trở nên phức tạp, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng nguy cơ lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế. Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái, đặc biệt là sau sự cố liên quan đến một số ngân hàng tại Mỹ vừa qua. Hiện việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường bất động sản ảm đạm khiến việc xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản càng thách thức. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, khung khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện và thiếu các chính sách khuyến khích nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Chê” gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân
Chỉ còn 2 tháng nữa là hết hạn, song gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đầy 2%. Các doanh nghiệp trong cuộc lý giải nguyên nhân vì sao “chê” gói hỗ trợ lãi suất, dù được ngân hàng mời tận nơi.
Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2023, mới có 2.100 khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt gần 781 tỷ đồng, tức chưa đầy 2%. Nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện đã từ chối làm thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam (Lâm Đồng) cho hay, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp e ngại gói hỗ trợ lãi suất là sợ thủ tục, đặc biệt là sợ rủi ro pháp lý, sợ bị thanh kiểm tra khi tiếp cận gói tín dụng này.
Công ty TNHH MTV Đức Toàn (Đăk Nông) cũng cho biết, việc tiếp cận gói lãi suất ưu đãi đòi hỏi thủ tục phức tạp, như báo cáo tài chính, hợp đồng kinh tế, hóa đơn đặt hàng, phiếu nhập - xuất kho, hóa đơn chuyển tiền… không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp gia đình, cơ cấu gọn nhẹ, không qua máy móc theo dõi hàng tháng, hoặc không có hóa đơn, người dân vùng nông thôn vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt. Muốn có báo cáo, hợp đồng, hóa đơn chuẩn chỉnh… thì sẽ phát sinh chi phí thuê kế toán, làm giảm thu nhập doanh nghiệp”, đại diện công ty này cho biết.
Một doanh nghiệp khác tại Hà Nội cũng cho hay, điều doanh nghiệp lo ngại nhất khi tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất là “lo cái sảy nảy cái ung”, từ việc thanh tra gói hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp sẽ bị thanh tra thuế hoặc thanh tra các hoạt động khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện đã dễ thở hơn, nên doanh nghiệp không có nhu cầu vay gói tín dụng hỗ trợ lãi suất.
Về nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất giải ngân chậm, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc đề xuất, xây dựng chính sách chưa sát thực tế, quy trình thủ tục gây nhiều vướng mắc.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ chỉ ra loạt nguyên nhân khiến gói hỗ trợ lãi suất 2% (40.000 tỷ đồng) giải ngân chậm. Nguyên nhân đầu tiên là khách hàng đủ điều kiện, nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Nhiều khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, ngân hàng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” do thiếu tiêu chí cụ thể. Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên, không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ.
Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khá mạnh thời gian qua và ngân hàng tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi với thủ tục đơn giản, nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất.
Về phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Sáng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Toàn cho rằng, điều doanh nghiệp cần hỗ trợ nhất hiện nay là xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tất nhiên, với các gói tín dụng ưu đãi, thủ tục càng đơn giản hóa càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Các chính sách hỗ trợ lãi suất thời gian qua là rất hữu ích, song cần thực chất hơn nữa”, đại diện Công ty Đức Toàn kiến nghị.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, mời doanh nghiệp đến để hỗ tợ lãi suất, song doanh nghiệp từ chối và bảo “nhường” cho doanh nghiệp khác, thực tế là lo sợ thanh kiểm tra, ngại thủ tục.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng là quyền lợi của doanh nghiệp, bất kỳ doanh nghiệp nào gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận gói tín dụng này đều có thể phản ánh để NHNN xử lý.
Trước đó, tháng 8/2023, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Theo đó, Thống đốc yêu cầu toàn ngành giải ngân kịp thời gói hỗ trợ lãi suất này. Đồng thời, xử lý kịp thời các trường hợp thực hiện không đúng quy định, trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ.
Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại phải chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng. Đồng thời, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất.