Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng bước vào cuộc đua tăng vốn
Thùy Vinh - 25/02/2019 15:13
Áp lực đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về vốn khi thời điểm áp dụng Basel II cận đề đang đè nặng các nhà băng. Tăng vốn sẽ là một trong những nội dung chính được thảo luận tại các đại hội cổ đông ngân hàng.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB). Tổng số lượng cổ phiếu chào bán trong đợt phát hành tới của NCB là 199,44 triệu đơn vị.

Trong đó, Ngân hàng chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu và phát hành cho cán bộ công nhân viên 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 1.994,4 tỷ đồng. Vốn điều lệ của NCB hiện đạt 3.010,2 tỷ đồng, nếu đợt phát hành thành công sẽ nâng lên hơn 5.000 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn phát hành là Công ty Chứng khoán Everest.

NCB đã được cấp giấy chứng nhận chào bán 199,44 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 3.010,2 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng.

Vào ngày 28/3 tới, Ngân hàng thương mại cổ phần LienVietPostBank sẽ tiến hành Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 tại TP.HCM. Ngoài các nội dung như báo cáo tình hình hoạt động năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận, LienVietPostBank sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và chuyển sang niêm yết trên HOSE.

Năm ngoái, Ðại hội đồng cổ đông LienVietPostBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng bằng việc phát hành gần 287 triệu cổ phiếu LPB cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, kế hoạch đã không thành công và đến cuối năm 2018, vốn điều lệ của nhà băng này mới chỉ ở mức 7.500 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 1.213 tỷ đồng, giảm 31,4% so với năm 2017, nhưng vượt mục tiêu đề ra (1.200 tỷ đồng).

Vietcombank cho biết sẽ tổ chức Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vào ngày 26/4. Một trong các nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp lần này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019.

Cuối năm 2018, nhà băng này đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cổ phần cho Ngân hàng Nhật Bản Mizuho và Quỹ GIC từ Singapore. Thương vụ này giúp Vietcombank huy động được 6.167 tỷ đồng. Tuy nhiên, số cổ phiếu đã phân phối chỉ bằng 30,88% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.

Ðối với việc tăng vốn năm 2019, có thể Vietcombank sẽ thực hiện tiếp đợt phát hành riêng lẻ hoặc sẽ trình cổ đông phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietcombank tính đến năm 2018 đạt 19.438,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không dễ.

Thực tế, không chỉ Vietcombank mà nhiều ngân hàng có vốn nhà nước khác như VietinBank, BIDV đều luôn đề cập đến bài toán tăng vốn. Một trong các nội dung được đề xuất là cho phép các ngân hàng được chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt như các năm qua, song điều này không dễ thực hiện do yêu cầu thu cổ tức bằng tiền từ cơ quan nhà nước.

Thời điểm đáp ứng chuẩn về Basel II đang đến gần và lộ trình Ngân hàng Nhà nước đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II.

Theo đó, yêu cầu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống đẩy áp lực phải sớm tăng vốn của các ngân hàng ngày càng lớn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng.

Theo Hội đồng quản trị VietBank, Ngân hàng đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu lên thị trường UPCoM và sẽ giao dịch cổ phiếu trên thị trường này trong vòng 1 năm sau khi hoàn tất tăng vốn điều lệ với mã cổ phiếu là VBB.

VietBank vừa phát hành thêm 100,7 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trước khi chuẩn bị lên UPCoM.

TPBank ngày 10/12/2018 đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28%. Sau phát hành, vốn điều lệ Ngân hàng dự kiến tăng lên 8.566 tỷ đồng.

Ðể tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, bài toán thu hút vốn ngoại được nhiều ngân hàng tính tới, trong đó không ngoại trừ các ngân hàng gốc quốc doanh.

Nam A Bank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có phương án hút thêm vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. BIDV cũng hé lộ kế hoạch chào bán 603 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Ðông (OCB) cho biết, OCB sẽ chốt bán cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trong năm 2019.

Cổ đông ngoại tại OCB hiện chỉ có VinaCapital (chiếm tỷ lệ 5% cổ phần). Hiện OCB đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ niêm yết.

Các nhà phân tích tài chính cho rằng, trong mùa đại hội cổ đông 2019, các ngân hàng tiếp tục mạnh tay chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn và hút thêm vốn ngoại, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng chuẩn Basel II đang cận kề.

Tuy nhiên, trước điều kiện thị trường hiện nay, để huy động được nguồn vốn lớn không hẳn dễ dàng đối với các ngân hàng, nên nhiều ngân hàng có thể sẽ phải tính tới phương án tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác