Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng Chính sách xã hội - nơi nuôi dưỡng khát vọng
Nhuệ Mẫn - 30/07/2023 15:33
Với sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình, thậm chí có những hộ trở nên khá giả.
Ông Là Văn Phong (bên trái) giới thiệu với Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Nhai về những dịch vụ sẽ triển khai trong thời gian tới trên vịnh Uy Phong

Trên con tàu hướng về vịnh Uy Phong (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) - được ví như Vịnh Hạ Long trên núi, ông Là Văn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel, dân tộc Thái, sinh năm 1993 tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai lặp đi lặp lại câu nói: “Không có Ngân hàng Chính sách xã hội, không có tôi của hôm nay”.

Vốn là hộ nghèo, cuộc sống nhiều khó khăn, đến năm 2005, khi được vận động di dân tái định cư để triển khai Thủy điện Sơn La, gia đình Là Văn Phong cũng di chuyển dù trong lòng còn ngổn ngang nỗi lo. Cuộc sống tại nơi ở mới cơ bản ổn định bởi có sự hỗ trợ từ chính quyền, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám khiến thanh niên Là Văn Phong quyết tâm thoát nghèo.

“Khi còn là sinh viên của Đại học Tây Bắc, tôi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn theo chương trình dành cho học sinh, sinh viên. Khi ra trường, bắt đầu khởi nghiệp với việc thành lập Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch Quỳnh Nhai năm 2017, tôi lại được vay 50 triệu đồng hỗ trợ giải quyết việc làm”, ông Phong chia sẻ.

Nhớ lại thủa ban đầu khởi nghiệp, ông Phong cho biết, ông cùng bạn bè nuôi cá lồng và phát triển du lịch. Chưa có tiền để mua thuyền, nên họ thuê, mượn của người dân để phát triển du lịch, đưa khách đi tham quan vùng hồ. Sau một thời gian hoạt động, với sự tận tình chu đáo từ dịch vụ, họ được du khách ủng hộ, nên nhen nhóm ý tưởng đầu tư thuyền và làm nhà hàng trên lòng hồ.

“Thời đó, chúng tôi mới ra trường, đều còn rất trẻ, uy tín chưa có, tài sản thế chấp cũng không, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cơ duyên đã đưa chúng tôi đến với Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Nếu năm xưa không được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, thì những ý tưởng đầu tư đã không trở thành hiện thực”, ông Phong nhớ lại.

Được biết, thời gian đầu, nhóm có 3 người, mỗi người vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Công việc ngày càng phát triển, hợp tác xã tiến lên thành công ty với 3 tàu du lịch đón từ 30 đến 100 khách tham quan lòng hồ. Đến nay, nhóm có 6 người, trong đó có 3 người tiếp tục được vay từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với hạn mức đã được nâng lên 100 triệu đồng/người.

Cùng với đó, hệ thống phục vụ ngày càng mở rộng khi có thêm khu nhà hàng trên vịnh Uy Phong và nhiều hoạt động thể thao giải trí. Đặc biệt, Công ty đang xây dựng thêm sản phẩm mới là lưu trú trên 2 hòn đảo. “Công ty có 12 lao động thường xuyên, ngày lễ tết bổ sung thêm 5 - 8 người với lương cứng 5 - 6 triệu đồng/người. Quý I và II/2023, Công ty đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, năm 2022 hơn 4 tỷ đồng”, Chủ tịch Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel phấn khởi.

Ông Cao Trung Phúc, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Nhai thông tin, doanh số chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm tính đến ngày 30/6 trên địa bàn là gần 7 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 3,2 tỷ đồng; tổng dư nợ là 34,5 tỷ đồng, số khách hàng dư nợ là 655 và số lượt khách hàng vay vốn là 137.

“Qua những chuyến công tác xuống cơ sở, làm việc với người dân, chúng tôi nhận thấy sự đánh giá cao đối với nguồn vốn của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Với sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân nơi đây đã phát huy hiệu quả đồng vốn, nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình. thậm chí có những hộ trở nên khá giả”, ông Phúc nói.

Ông Là Văn Phong cho biết, tháng 6/2023, doanh thu của HĐQT Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel chỉ có 110 triệu đồng do khí hậu khắc nghiệt, lòng hồ cạn, tàu du lịch phải tạm dừng vận hành dù khách vẫn đặt tham quan. Nhưng khó khăn này chưa là gì so với thời điểm đại dịch Covid-19.

“Những lúc căng thẳng, tôi cũng muốn ‘buông’, nhưng lại được các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội động viên từ lời nói ‘chú cố gắng lên, cần gì cứ báo anh’ cho đến hành động thiết thực là cơ cấu giảm lãi… Tôi không thể bỏ cuộc, mà bằng mọi giá vượt qua nghịch cảnh, không phụ sự quan tâm, lo lắng, hỗ trợ của rất nhiều người, đặc biệt là các cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Phong nói.

Hoài bão vẫn chưa dừng lại, trên chặng đường từ vịnh Uy Phong quay về chân cầu Pá Uôn, Chủ tịch Công ty cổ phần Du lịch Quỳnh Nhai Travel quay sang Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Nhai hỏi: “Em đang định mở rộng hoạt động du lịch thông qua việc sửa nhà và làm thêm nhà sàn vừa để ở, vừa đón khách du lịch tại trung tâm huyện, nhưng vốn chưa đủ, liệu Ngân hàng có thể hỗ trợ tiếp?”.

Đáp lại, ông Phúc hẹn: “Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16, Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Hôm nào chú lên anh trao đổi cụ thể để triển khai nhé”.

Tin liên quan
Tin khác