Quyết định trên được Ban thống đốc AIIB nhất trí đưa ra tại cuộc họp thường niên lần thứ tư diễn ra ở Luxembourg.
Ba nước trên sẽ chính thức trở thành thành viên của AIIB sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước và nộp phần vốn góp đầu tiên với ngân hàng này.
Với 100 thành viên được thông qua, và số vốn đầu tư 8,5 tỷ USD cho 46 dự án tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn, người vừa được bầu làm Chủ tịch Ban thống đốc của AIIB, cho rằng AIIB đã trở thành một thành viên quan trọng trong hệ thống phát triển đa phương.
Thể chế tài chính đa phương do Trung Quốc khởi xướng này bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2016 với 57 thành viên sáng lập, với chương trình nghị sự tập trung vào việc hỗ trợ cho quá trình phát triển bền vững thông qua cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực có hiệu quả khác ở trong và ngoài châu Á. Các thành viên của AIIB chiếm 78% dân số thế giới và 63% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Với chủ đề "Hợp tác và Kết nối," cuộc họp thường niên lần thứ tư của AIIB diễn ra trong hai ngày 13-14/7 tại Luxembourg, với sự tham dự của hơn 1.000 quan chức của AIIB, đại diện của các thành viên và đối tác cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của ngân hàng này được tổ chức ở bên ngoài châu Á.
Cuộc họp năm nay nhấn mạnh sự hợp tác và kết nối mạnh mẽ hơn giữa châu Á và châu Âu, kết nối kỹ thuật số, biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững và huy động vốn cho các quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.
Ban thống đốc AIIB đã quyết định tổ chức cuộc họp thường niên lần thứ năm tại Bắc Kinh vào các ngày 2 và 3/7/2020./.