So với cuối năm trước cũng như đầu năm nay, thanh khoản của các ngân hàng hiện đã được cải thiện rất nhiều.
Thế nhưng, tín dụng của ngành vẫn tăng trưởng chậm, trong đó, không ít nhà băng lớn vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tăng trưởng tín dụng âm.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, đến cuối tháng 6/2013, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 1,1%...
Với tình trạng này, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 12%, nửa cuối năm nay phải có mức tăng trưởng tín dụng gấp rưỡi so với nửa đầu năm.
Song điều này có vẻ xa vời, khi dòng vốn vẫn không chảy.
| ||
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, lãi suất cho vay đã giảm từ mức 18 - 19%/năm trong năm 2011, xuống còn bình quân 9 - 10%/năm hiện nay, nhưng khách hàng vẫn lắc đầu, vì chưa có nhu cầu vay vốn.
Nguyên nhân là do hàng hóa tồn kho và sức mua của thị trường vẫn yếu.
Trước đây, khi ứ đọng vốn, ngân hàng có thể gửi vốn trên thị trường liên ngân hàng để hưởng lãi suất 4 – 5%/năm, thì hiện nay, theo ông Phước, cửa kinh doanh này cũng dần thu hẹp, bởi lãi suất liên ngân hàng hiện chỉ còn 1,5%/năm.
Do đó, để có được khách hàng vay vốn, một số ngân hàng đã cạnh tranh bằng cách hạ lãi suất xuống còn 5 - 6%/năm, trong khi trần lãi suất đầu vào vẫn ở mức 7%.
Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cũng cho hay, để đạt được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất khó. Điều quan trọng đối với ngân hàng hiện nay chính là kiểm soát chặt rủi ro, để hạn chế rủi ro nợ khó đòi.
Theo ông Vũ, tăng trưởng tín dụng của NamA Bank 6 tháng qua đạt mức 12%, cao hơn chỉ tiêu nhận được đầu năm nay là 9%. Tuy nhiên, theo ông Vũ, do NamA Bank là ngân hàng có quy mô không lớn, nên con số tuyệt đối về tăng trưởng dư nợ còn thấp (chỉ vài ngàn tỷ đồng).
Do đó, để có thể có thêm dư địa cho vay trong những tháng còn lại của năm, NamA Bank đã xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và được nâng “room” tín dụng lên 30%. Song theo ông Vũ, để kỳ vọng dư nợ tăng mạnh trong những tháng còn lại của năm là điều không dễ.
Một thực tế trên thị trường hiện nay là ngân hàng thừa vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn “kêu” khó tiếp cận vốn vay. Để khơi thông được dòng vốn, đòi hỏi các ngân hàng phải chung tay với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn nợ xấu, tạo cơ hội cho tăng trưởng dư nợ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, các ngân hàng đang đẩy mạnh khơi thông nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và cả nền kinh tế để cùng nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Minh, doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác và minh bạch khi vay vốn.
Trong 2 quý đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mới đạt 4,5%, chưa đạt được phân nửa chỉ tiêu đưa ra cho cả năm là 12%. Vì thế, để đạt chỉ tiêu cả năm, trong 6 tháng còn lại, hệ thống ngân hàng phải đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 7,5%…
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mảng tín dụng bất động sản hay động thái nâng “room” tín dụng cho các ngân hàng lên mức 20 - 30%... Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay không dễ đạt được.
Nhiều doanh nghiệp thiếu phương án kinh doanh hiệu quả và nợ xấu tăng, hết tài sản đảm bảo. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với các doanh nghiệp này.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tình hình nợ xấu cao và doanh nghiệp hết tài sản để thế chấp.
Tuy nhiên, theo TS. Lịch, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay sẽ không nhiều, khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp, do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống ngân hàng thương mại.
Thùy Vinh