Lỗ đậm từ chứng khoán đầu tư
Chứng khoán Việt Nam và thế giới đã có những khoảng thời gian giao dịch tiêu cực vào năm 2022. VN-Index giảm xuống dưới mức 1.000 điểm. Thị trường lao dốc khiến danh mục đầu tư của hàng loạt tổ chức “bốc hơi”. Không riêng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất sử dụng một phần vốn để đầu tư ngoài hoạt động lõi cũng thua lỗ đậm trong năm qua, nhất là 2 quý cuối năm 2022.
SHB công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Riêng trong quý IV, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng tăng trưởng âm so với năm 2021, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 9%. Hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận lãi thuần giảm mạnh so với cùng kỳ.
TPBank đã ghi nhận lợi nhuận năm qua đạt 7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư lại giảm 70%.
Với ABBank, với lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng - thu nhập lãi thuần tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 3.735 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt 62% và 300% so với năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lỗ lần lượt 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đều lãi hơn 200 tỷ đồng.
Không chỉ với các nhà băng trên, thông tin từ Sacombank cũng cho thấy, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần năm qua giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
Trong quý IV/2022, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh khác lại ghi nhận sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79%, xuống còn 4 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%. Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng.
Vietinbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế trong quý ghi nhận tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước, mang về 5.349 tỷ đồng. Phần lớn các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm.
Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 23,6% đạt 12.847 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 53% mang về hơn 1.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.129 tỷ đồng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó các mảng còn lại (chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu nhập) như mua bán đầu tư kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác của Vietinbank lại ghi nhận sụt giảm hơn 36% trong năm 2022 (với mảng chứng khoán đầu tư).
Mảng chứng khoán đầu tư trong quý IV/2022 của BIDV cũng ghi nhận mức giảm hơn 74% khi chỉ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng, nhưng cả năm ghi nhận tăng 24,7%.
Theo báo cáo hợp nhất quý vừa công bố, ACB báo lãi trước thuế năm 2022 hơn 17,114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, nhờ tăng thu nhập khác và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 22% (3,526 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 20% (1,048 tỷ đồng).
Hoạt động khác thu được khoản lãi gần 990 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Tuy nhiên, mảng chứng khoán đầu tư của ACB giảm đến 92%, chỉ thu được hơn 20 tỷ đồng.
Lãi thuần kinh doanh ngoại hối giảm
Không chỉ lỗ đậm từ mảng chứng khoán đầu tư khi thị trường đi xuống, với sự biến động của tỷ giá năm qua, nhất là quý cuối năm, lãi thuần từ mảng này của ngân hàng sụt giảm mạnh.
Qua báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng cho thấy con số bất ngờ về mảng kinh doanh ngoại hối và có sự phân hóa khá rõ. SHB, ABBank, VPBank, Techcombank, HDBank, VIB... đồng loạt ghi nhận lỗ từ mảng kinh doanh ngoại hối.
Quý IV/2022, ABBank thua lỗ tới 446 tỷ đồng ở mảng kinh doanh ngoại hối dù từng thuộc top 4 ngân hàng thương mại kinh doanh ngoại hối hiệu quả nhất trong nửa đầu năm 2022. Nhưng nhờ có khoản lãi gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, ABBank vẫn báo lãi 193 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối cả năm 2022.
Techcombank cũng lỗ hơn 300 tỷ đồng từ hoạt động này vào quý IV/2022, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ gần 28 tỷ đồng. Đây là mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối theo quý lớn nhất của ngân hàng trong 1 thập kỷ qua. Hoạt động kinh doanh ngoại hối Techcombank chịu thua lỗ vì khoản chi cho các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ tăng mạnh trong khi lợi nhuận thu về tăng với tốc độ chậm hơn.
VPBank cũng trong tình trạng tượng tự, khi ghi nhận lỗ thuần gần 340 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 chỉ lỗ hơn 30 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối. Ngân hàng HDBank cũng ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong qu1y cuối năm 2022 sau 12 quý lãi liên tiếp. Lần gần nhất HDBank ghi nhận kinh doanh ngoại hối thua lỗ là quý III/2019, với khoản lỗ chỉ khoảng 296 triệu đồng.
Với VietBank, mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý IV/2022. Lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối của SHB cũng giảm 39% trong quý IV và cả năm giảm 19%.
Quý IV/2022 là thời gian Ngân hàng Nhà nước đưa ra một loạt chính sách liên quan đến tỷ giá. Mảng kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng trong quý IV cũng chịu nhiều biến động.
Trong quý IV/2022, NHNN liên tục can thiệp vào thị trường ngoại hối thông qua công cụ mua/bán ngoại tệ, điều chỉnh tỷ giá, nới biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% nhằm đối phó với chính sách của Cục dự trữ Liên bang Mỹ. Cụ thể, ngày 15/12/2022, NHNN bắt đầu niêm yết giá mua USD trở lại sau 3 tháng để trống, phản ánh nhu cầu mua vào ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, Vietcombank, VietinBank và BIDV khẳng định vị thế dẫn đầu của nhóm ngân hàng quốc doanh khi mang về khoản lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối trong quý IV/2022 - trở thành mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao nhất của VietinBank và BIDV trong quý cuối năm qua.
Cụ thể, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của Vietcombank quý IV/2022 tuy chi tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng lũy kế cả năm 2022, lãi thuần từ mảng kinh doanh này của ngân hàng tăng gần 32%, ghi nhận trên 3.768 tỷ đồng. Tương tự, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của Vietinbank đạt 1.129 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối BIDV mang về cho ngân hàng gần 1.130 tỷ đồng quý IV/2022, tăng hơn 70% so quý cùng kỳ. Lũy kế cả năm ghi nhận lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối hơn 3.120 tỷ đồng, tăng trên 65% so với năm 2021.
Kinh doanh ngoại hối của ACB lại cho thấy sự tăng trưởng vượt trội ở mảng kinh doanh này. Cụ thể, quý IV/2022, ACB lãi thuần 504 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước và gấp 5 lần quý III/2022.
Thậm chí, NCB cũng lội ngược dòng khi chuyển từ lỗ kinh doanh ngoại hối hơn 21 tỷ đồng vào quý IV/2021 thành lãi gần 76 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, MBBank và TPBank mặc dù đều ghi nhận lãi từ kinh doanh ngoại hối trong quý IV/2022, lần lượt là 416,6 tỷ đồng và 260,8 tỷ đồng, nhưng mức lợi nhuận này lại giảm so với quý III/2022 và cùng kỳ năm trước.
Năm qua, chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất hai thập kỷ đẩy tỷ giá USD/VND liên tiếp lập đỉnh mới. Đồng Việt Nam có thời điểm mất giá đến 9% so với USD, dần về cuối năm, tỷ lệ mất giá thu hẹp còn 3,5%. Lợi nhuận của ngân hàng trong mảng kinh doanh ngoại hối phụ thuộc vào việc dự đoán đúng xu hướng tỷ giá trong tương lai nhằm đưa ra các sản phẩm phái sinh phù hợp.
Sự phân hóa về kết quả kinh doanh ngoại hối thể hiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong điều kiện tỷ giá biến động mạnh như quý IV/2022.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng không chỉ đơn thuần mua/bán ngoại tệ theo nhu cầu và tỷ giá tại ngày giao dịch (FX Spot), ngân hàng còn cung cấp các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ như dịch vụ hoán đổi (FX Swap), quyền chọn (FX Option) hay kỳ hạn (FX Forward) nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá (do giá trị ngoại tệ mua/bán khổng lồ, trong khi tỷ giá trong tương lai là không thể biết trước).
Với các hợp đồng này, doanh nghiệp được mua/bán ngoại tệ tại một thời điểm trong tương lai với tỷ giá chốt sẵn hoặc có quyền mua/bán ngoại tệ khi tỷ giá diễn biến thuận lợi… Các dự báo đưa ra, khả năng tỷ giá sẽ theo chiều hướng ổn định và giảm trong 2023.
Standard Chartered dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 23.200 đồng vào cuối quý I/2023 (so với mức 24.000 đồng trong báo cáo trước đó) và 23.500 đồng vào giữa năm 2023 (so với mức 23.800 đồng trước đó). Dự báo USD/VND cho nửa cuối năm 2023 không thay đổi.
Sự cải thiện của cán cân vãng lai và sự phục hồi của lĩnh vực du lịch có thể sẽ hỗ trợ cho tiền đồng. Standard Chartered dự báo, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục biến động; biên độ giao dịch rộng hơn sẽ giúp tỷ giá hối đoái được linh hoạt hơn.
Theo báo cáo ngoại hối của Standard Chartered, sự kết hợp của Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến, dấu hiệu hạ nhiệt áp lực lạm phát ở Mỹ và định vị thị trường một chiều đã dẫn đến sự tăng giá mạnh của các đồng tiền tại khu vực ASEAN so với đô la Mỹ trong thời gian gần đây.