BIDV, Vietinbank và Vietcombank đang so găng vị thế dẫn đầu |
Lợi nhuận: Vietinbank và BIDV bám đuổi, Vietcombank đứng sau
Báo cáo tài chính hợp nhất của ba ngân hàng Vietcombank, Vietinbank và BIDV cho thấy, về lợi nhuận, Vietinbank đang dẫn đầu thị trường, BIDV tiến rất sát còn Vietcombank đứng sau với khoảng cách khá xa.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Vietibank cho thấy, trong quý III/2015, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 4.909 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động là 2.780 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 66% lên 1.284 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong quý III là 1.846 tỷ đồng, tăng 14,8% so với quý III/2014.
Lũy kế 9 tháng, ngân hàng ghi nhận 5.725 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 4.461 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần của cổ đông ngân hàng là 4.449 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, tăng 4,3%.
Bám sát Vietinbank là ngân hàng BIDV. Theo báo cáo, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý III đạt 5.224 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái với Vietinbank, chi phí hoạt động trong kỳ của ngân hàng này tăng tới 67% (3.125 tỷ đồng), tuy nhiê, chi phí dự phòng rủi ro lại giảm một nửa còn 499 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý III đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 21,9% so với quý III/2014.
Lũy kế 9 tháng, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.535 tỷ đồng, tăng 24,5% so với 3 quý đầu năm trước. Sau thuế, lợi nhuận còn 4.513 tỷ đồng, tăng 27,7%.
Đứng sau một khoảng cách khá xa là Vietcombank. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng vẫn tăng tốt nhưng chi phí hoạt động và trích lập dự phòng đều tăng mạnh khiến lợi nhuận ngân hàng giảm khác đáng kể.
Cụ thể, chi phí hoạt động của Vietcombank tăng đột biến trong quý 3 (tăng gần 70%), chiếm 2.705 tỷ đồng, đẩy chi phí hoạt động 9 tháng lên tới gần 6.000 tỷ đồng (tăng 28%). Thêm vào đó, trích lập dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm cũng tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 4.648 tỷ đồng và sau thuế 3.635 tỷ đồng, cao hơn 11% so với cùng kỳ.
BIDV dẫn đầu về cho vay, tổng tài sản và cả nợ xấu
BIDV, Vietinbank và Vietcombank là 3 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất thị trường. Tổng tài sản của BIDV đã tăng mạnh sau thương vụ sáp nhập Ngân hàng MHB và hiện đang dẫn đầu khối ngân hàng cổ phần (chỉ sau Agribank).
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng BIDV đạt 786.161 tỷ đồng, tăng 20,8% so với đầu năm. Vốn điều lệ tăng thêm 6.075 tỷ đồng sau khi nhận sáp nhập với ngân hàng MHB.
Cũng tính đến đến ngày 30/9, tổng tài sản của Vietinbank đạt 710.691 tỷ đồng, tăng 7,5% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn đứng im so với đầu năm (37.234 tỷ đồng). Tuy nhiên, thời gian tới, khi thương vụ sáp nhập VietinBank – PGBank hoàn tất, tổng tài sản và vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng mạnh và vượt qua BIDV.
Ngân hàng có tổng tài sản nhỏ nhất trong “tam trụ” là Vietcombank. Tổng tài sản của Vietcombank tại thời điểm 30/9 đạt 615.575 tỷ đồng, tăng hơn 38.500 tỷ tương đương tăng gần 6,7% so với đầu năm.
Về tăng trưởng tín dụng, BIDV vẫn giữ được vị thế dẫn đầu. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, cho vay khách hàng của BIDV đạt 550.302 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4%. Tiền gửi của khách hàng đạt 543.117 tỷ đồng, tăng 23,3%. Cũng tại thời điểm đó, cho vay khách hàng của Vietinbank đạt 499.582 tỷ đồng, tăng 13,5%. Tiền, vàng gửi của khách hàng đạt 468.834 tỷ đồng, tăng 10,5%.
Riêng tại Vietcombank, theo báo cáo hợp nhất, ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 10,2% trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn khách hàng tăng 15,5% với tổng cộng hơn 487.000 tỷ đồng.
Dẫn đầu cho vay, song BIDV hiện cũng đang là đơn vị có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hiện nay, trong khi Vietinbank có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.
Tại thời điểm ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank là 0,95%, nợ xấu của Vietcombank là 2% và nợ xấu của BIDV là 2,16%.
Đáng lưu ý, trong khi nợ xấu của Vietinbank, Vietcombank giảm nhẹ thì nợ xấu của BIDV tăng nhẹ so với cuối năm 2014 (tăng từ 2.03% lên 2.16%). Việc sáp nhập MHB có thể là một nguyên nhân khiến nợ xấu của BIDV bị đội lên.
Bức tranh lợi nhuận, nợ xấu, tổng tài sản, khách hàng... của ba ngân hàng lớn sẽ còn tiếp tục thay đổi bởi những thương vụ M&A phía trước. Trong một phát biểu đưa ra đầu năm nay, lãnh đạo NHNN định hướng, Vietinbank và Vietcombank sẽ là những ngân hàng tầm cỡ khu vực. Trong khi đó, BIDV cũng đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động ra các thị trường ngoài nước.