Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng nhỏ chật vật tăng vốn
Thùy Vinh - 06/07/2015 08:27
Trước áp lực tái cấu trúc và sức ép mua bán - sáp nhập (M&A), các ngân hàng nhỏ đang nỗ lực tăng vốn, nhưng xem ra khá chật vật, vì cổ phiếu ngân hàng nhỏ kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Trên thị trường hiện còn gần chục ngân hàng có vốn điều lệ ngang bằng vốn pháp định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước ở mức 3.000 tỷ đồng, như VietA Bank, Saigonbank, VietBank, Kienlongbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, PGBank… Trong số này, có ngân hàng đã tính tới sáp nhập với nhà băng khác, như PGBank. Trong khi một số nhà băng nỗ lực tăng vốn để nâng cao sức cạnh tranh Trong số này, BacA Bank vừa chính thức hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 4.400 tỷ đồng.

Để tăng được vốn lên mức trên, BacA Bank đã phải một thời gian huy động vốn kéo dài, đồng thời cũng mất không ít thời gian chờ sự chuẩn y của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

Thực tế thời gian qua cho thấy, kế hoạch tăng vốn của không ít nhà băng nhỏ đã phải trì hoãn nhiều lần, kéo dài nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Chẳng hạn, Saigonbank đưa ra kế hoạch tăng thêm 920 tỷ đồng trong năm 2014 để nâng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại, kế hoạch này vẫn bất động.

VietA Bank cũng đã lên kế hoạch tăng vốn thêm 202 tỷ đồng để nâng vốn từ mức 3.098 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Theo lý giải của HĐQT VietA Bank, do thị trường có những khó khăn nhất định, nên Ngân hàng chia kế hoạch tăng vốn thành 2 đợt. Trong đợt 1, Ngân hàng dự kiến tăng thêm 402 tỷ đồng để nâng vốn lên 3.500 tỷ đồng. Phương án này đã được Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và VietA Bank dự kiến hoàn thành việc tăng vốn này trong quý II/2015, song đến nay vẫn chưa thể triển khai.

Lãnh đạo VietA Bank cho biết, kế hoạch nâng vốn lên 3.500 tỷ đồng sẽ hoàn tất trong quý III năm nay. Đồng thời, HĐQT VietA Bank còn đề xuất với cổ đông phương án tăng vốn điều lệ đợt II năm 2015 lên 4.200 tỷ đồng và định hướng tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2016, nhằm nâng quy mô và chất lượng tài sản sinh lời, tăng cường khả năng đầu tư tài sản, kinh doanh…

Tuy nhiên, việc thực hiện các kế hoạch đó không đơn giản trong bối cảnh thị trường hiện nay. Thực tế, trước chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành cùng làn sóng M&A lĩnh vực ngân hàng nóng dần, các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém sẽ không dễ được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng thêm vốn điều lệ. Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc, sắp xếp lại, với mục tiêu toàn hệ thống chỉ còn 20 - 25 ngân hàng, trong đó, một số ngân hàng đủ mạnh và có tầm cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế.

Thực tế cho thấy, cả với DongA Bank là ngân hàng đã có tên tuổi trên thị trường, nhưng đã phải hủy kế hoạch nâng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, do cổ đông không đóng đủ tiền.

Tin liên quan
Tin khác