Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên thận trọng trước khi xuống tiền.
Triển vọng lợi nhuận tốt khiến nhiều cổ phiếu vua tăng giá trở lại. |
Hàng loạt ngân hàng niêm yết báo lãi lớn
Tuần này, một loạt cổ phiếu ngân hàng như VIB, TPB, BID, ACB, VPB, STB... đồng loạt khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh quý II/2020 khá tích cực.
Cụ thể, Ngân hàng TPBank (mã TPB) cho biết, lợi nhuận 6 tháng tăng hơn 25% (đạt hơn 2.000 tỷ đồng), một phần nhờ tín dụng tăng 11%, các lĩnh vực khác như bảo lãnh, tài trợ thương mại, bảo hiểm, thẻ… đều tăng trưởng tốt, trong khi chi phí quản lý được cắt giảm hiệu quả.
VIB cũng là ngân hàng có kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm tích cực, với tín dụng tăng 6%, lợi nhuận đạt 52% kế hoạch năm. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB cho biết, sở dĩ lợi nhuận ngân hàng này vẫn khả quan là nhờ trước đó đã đi trước một bước về giảm chi phí, đầu tư công nghệ, hoàn thành 3 trụ cột Basel II, nên giá vốn tốt...
Chưa có nhiều ngân hàng chính thức công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng, song những con số ước tính mà lãnh đạo nhiều ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận của đa số ngân hàng niêm yết vẫn tích cực, cơ bản đã hoàn thành ít nhất 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm, như ACB, VPBank, HDBank, MBBank…
Vietcombank cho biết, lợi nhuận 6 tháng tương đương với lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái (11.300 tỷ đồng). Trong khi đó, với VietinBank, tình hình kinh doanh bắt đầu khởi sắc, khi tín dụng tăng trưởng dương trở lại sau thời gian tăng trưởng âm.
Theo ước tính của các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, trong số 10 mã cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán, có tới 9 mã cổ phiếu của các ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong quý II/2020, bao gồm: ACB, CTG, HDB, MBB, TCB, TPB, VIB, VCB, VPB.
Cụ thể, SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của ACB sẽ đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế quý II/2020 của VietinBank (mã CTG) ở mức 3.030 tỷ đồng, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. HDBank (mã HDB) cũng tăng trưởng mạnh tín dụng trong quý II/2020, khiến lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm được dự đoán đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của MB (MBB) được kỳ vọng đi ngang hoặc tăng trưởng một chữ số trong quý II, do tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ đạt khoảng 4%. Lợi nhuận của Techcombank dự báo đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 5,1%. VPBank dự kiến lãi 6.000 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ, riêng lợi nhuận quý II tăng 20% so với cùng kỳ…
Nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền
Triển vọng lợi nhuận tốt khiến nhiều cổ phiếu vua tăng giá trở lại. Lực mua vào nhiều cổ phiếu như STB, VIB, ACB… khá mạnh. Trên thực tế, cho đến nay, các ngân hàng đang chống đỡ khá tốt với Covid-19. Bên cạnh một số ngân hàng bảo toàn được lợi nhuận và tài sản, thì một số ngân hàng vẫn tiếp tục giữ được phong độ tăng trưởng lợi nhuận, như VIB, TPBank…
Tuy nhiên, theo phân tích của các công ty chứng khoán, nợ xấu có thể tăng mạnh trong thời gian tới, khi các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hết thời gian được cơ cấu lại. Do đó, lợi nhuận ngân hàng trong 2 quý cuối năm có thể ẩn chứa nhiều bất ngờ, nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6/2020, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh. Dòng vốn từ nhà đầu tư đầu tư mới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường, góp phần tạo “sóng tăng” trên thị trường chứng khoán tháng 7/2020.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, thị trường chứng khoán đang tăng trưởng thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh tế chậm phục hồi, trong khi giá chứng khoán giai đoạn này tăng không tương ứng, chứng tỏ dòng vốn đang rót sang các kênh đầu cơ.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nếu Covid-19 không tái bùng phát, các nhà đầu tư sẽ không phản ứng quá cực đoan, song vẫn sẽ thận trọng khi đưa ra quyết định, đặc biệt khi thị trường đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ trong tháng 8. Vì vậy, VDSC khuyến cáo, nhà đầu tư nên để dành một phần sức mua cho trường hợp xảy ra kịch bản xấu hơn.
Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới chưa khống chế được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ phải dựa nhiều vào thị trường nội địa, thay vì xuất khẩu. Các lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng là tiêu dùng, xây dựng, bất động sản… Những mã cổ phiếu ngân hàng có thế mạnh cho vay những lĩnh vực trên sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV