TIN LIÊN QUAN | |
Sáp nhập, giải thể ngân hàng yếu theo đúng pháp luật | |
Nên cho phá sản "ngân hàng xác sống" | |
Xác lập cơ chế cho phá sản ngân hàng | |
VAMC dọn nợ, ngân hàng có thể kiệt sức |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 24/2014/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, Thông tư này có hiệu lực từ 24/10/2014.
Việc chi trả bảo hiểm tiền gửi được phân theo thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng bị phá sản theo quy định tại Luật Phá sản |
Thông tư quy định, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc NHNN có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
Tại văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán được quy định tại Thông tư này phải nêu rõ việc tổ chức tín dụng không khôi phục được khả năng thanh toán (lâm vào tình trạng phá sản) để làm cơ sở cho việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi.
Về thủ tục trả tiền bảo hiểm, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm theo quy định, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền bảo hiểm phải chi trả.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm trả cho từng người tại địa điểm đã thông báo.
Có nghĩa, từ thời điểm ngân hàng mất thanh khoản, gửi hồ sơ lên Bảo hiểm tiền gửi cho đến khi bảo hiểm tiền gửi xác minh, kiểm tra và lên phương án trả tiền cho người gửi tiền sẽ mất gần một tháng, sau thời gian này, khách hàng mới nhận lại được tiền.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thanh toán khoản tiền phải trả cho người gửi tiền được bảo hiểm theo thứ tự phân chia giá trị tài sản của tổ chức tín dụng bị phá sản theo quy định tại Luật Phá sản.
Kể từ ngày trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ nợ theo quy định của pháp luật.
Về phí bảo hiểm, Thông tư quy định, phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Chậm nhất vào ngày 20 của tháng đầu tiên quý thu phí, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp phí trùng vào ngày Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được nộp vào ngày làm việc tiếp theo ngay sau ngày nghỉ Lễ, Tết, ngày nghỉ cuối tuần đó.
Cơ sở tính phí bảo hiểm tiền gửi của quý thu phí là toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi của quý trước liền kề quý thu phí.
Thùy Liên