Phó thống đốc: Doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá, lãi suất điều hành không loại trừ có thể giảm thêm
Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định tỷ giá đang biến động trong biên độ cho phép và doanh nghiệp không cần lo ngại, đồng thời khuyến nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi vay, nhất là với các khoản vay cũ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
Nêu định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.
“Hiện nay, giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Hiện tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, Phó thống đốc khẳng định.
Mặc dù có một số ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá.
Về lãi suất, Phó thống đốc cho rằng, hiện nay, một số khoản vay của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao (chủ yếu là những khoản vay cũ). Tuy quyền quyết định lãi suất cho vay ở mức nào là của ngân hàng thương mại, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở, các ngân hàng phải điều hành lãi suất phù hợp với mặt bằng chung.
Bên cạnh thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ thì việc giảm lãi suất còn là yêu cầu bắt buộc để ngân hàng cạnh tranh lẫn nhau. Ngân hàng nào cố tình duy trì lãi suất cho vay cao sẽ bị doanh nghiệp “nghỉ chơi”.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, điều hành lãi suất thời gian tới sẽ theo hướng ổn định, hạ thêm nữa khi có điều kiện, kể cả lãi suất điều hành cũng có thể giảm thêm nếu điều kiện phù hợp.
Do đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở các ngân hàng thương mại phải tính toán, không thể khư khư giữ lãi suất cao vì sẽ “không ai chơi” trong bối cảnh thị trường ngày càng công khai, minh bạch về giá cả, lãi suất.
“Hiện cả nước có hơn 100 ngân hàng lớn nhỏ, chưa kể các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân… Không có cớ gì mà doanh nghiệp phải phụ thuộc vào một ngân hàng. Đây là quyền lựa chọn của người đi vay theo cơ chế thị trường. Nếu không có doanh nghiệp thì ngân hàng sống với ai? Ngân hàng cần doanh nghiệp. Doanh nghiệp khỏe, làm có lãi thì mới trả nợ được cho ngân hàng. Thế nên cần phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu ngân hàng chỉ nhìn vào việc đạt chỉ tiêu lợi nhuận mà không chịu hạ lãi suất thì sao ổn", Phó thống đốc nhắc nhở.
Vì vậy, bên cạnh nhóm big 4 đã tiên phong hạ sâu lãi suất, Phó thống đốc yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ.
Tất nhiên, khi lãi suất giảm sâu, sự ổn định tỷ giá có nguy cơ bị phá vỡ, ảnh hưởng tới vay nợ nước ngoài, xếp hạng tín nhiệm quốc gia… Đây là điều buộc Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc hài hòa nhiều yếu tố trong điều hành chính sách tiền tệ.
Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, điều hành lãi suất là bài toán khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay.
Không còn than về lãi suất, doanh nghiệp sợ nhất điều gì?
Câu chuyện lãi suất không còn nóng trong các hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp, thay vào đó là câu chuyện đầu ra, câu chuyện pháp lý, điều kiện tiếp cận vốn...
Trao đổi với báo Đầu tư, ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk cho hay, hiện lãi suất cho vay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 7%/năm, dài hạn khoảng 10%/năm. Nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp lúc này, theo ông Thanh, không phải là lãi suất, mà là đầu ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của nhiều lĩnh vực, ngành hàng đều giảm sút.
Nhiều doanh nghiệp cho biết không muốn vay vốn vì không có đầu ra |
“Nhiều tháng nay, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, hay nói cách khác là không biết vay vốn để làm gì”, ông Thanh cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên diễn ra ngày 20/10, ông Nguyễn Văn Cửu, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV 2/9 - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước với doanh số gần 7.000 tỷ đồng cũng cho hay, dư nợ vay của công ty ông niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, song thời điểm hiện tại, chỉ còn 20 tỷ đồng, nguyên nhân là chưa đến mùa vụ cà phê.
Theo ông Cửu, năm 2022, lãi suất cho vay cao khiến chi phí lãi vay của công ty ông tăng từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn cũng dễ thở hơn.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng khoảng 6-10% tùy từng lĩnh vực, ngành nghề.
Các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất không còn là vấn đề lớn, điều doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay là mặt bằng lãi suất thấp được duy trì ổn định lâu dài, đồng thời các cơ quan ban ngành có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ vướng mắc pháp lý…
Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, Giám đốc Công ty TNHH JFT Việt Nam, chuyên sản xuất và cung ứng hoa cho thị trường Nhật Bản cho biết, khó khăn chính về tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Lâm Đồng là do khả năng tài chính, khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, với doanh nghiệp sản xuất hoa công nghệ cao, giá trị tài sản trên đất rất lớn (nhà kính) song lại chưa được ngân hàng tính làm tài sản thế chấp. Ngoài ra, chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp khiến doanh nghiệp bất an trong quá trình sản xuất.
Vì vậy, bà Trâm đề nghị các bộ, ngành cần có chương trình bảo hiểm nông nghiệp để giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đồng thời các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn về ghi nhận tài sản trên đất để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn.
Ông Lại Thế Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Lâm Đồng cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp hoa trên địa bàn rất khó khăn do cầu giảm sút, giá hoa rẻ, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải chuyển sang trồng rau. Ông Hưng cũng kiến nghị có cơ chế để doanh nghiệp có thể sử dụng tài sản trên đất làm tài sản thế chấp.
Ông Hưng kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm gỡ khó cho doanh nghiệp về vấn đề này.
Với các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung trên địa bàn Tây Nguyên, nguồn vốn kinh doanh gần như phụ thuộc vào ngân hàng. Hơn nữa, các sản phẩm nông sản có tính mùa vụ rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng ngân hàng cho vay không chỉ cung ứng “đủ” mà còn phải kịp thời để không bị lỡ thời cơ kinh doanh.
Ông Tạ Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Quang Triệu (Đắk Nông) cho biết, hiện các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn tỉnh này đang gặp khó khăn về nguồn vốn vì giá cà phê tăng cao đột biến trong khi doanh nghiệp thiếu tài sản thế chấp. Ông Phú kỳ vọng ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó giám đốc Công ty Xuất khẩu cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với khó khăn do không đủ nguồn vốn đảm bảo thu mua, dẫn tới tình trạng bị ép giá. Việc vay vốn thế chấp bằng bất động sản khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ vay được số tiền hạn chế trong khi việc thu mua cà phê vào vụ lại rất khẩn trương.
“Cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo nghành nghề. Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vào vụ mùa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp nhà nước”, bà Lan Anh đề nghị.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận, sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay không phải do tiếp cận vốn mà do nhiều yếu tố khác như: chi phí vật tư đầu vào tăng cao, đơn hàng sút giảm, tồn kho lớn, máy móc công nghệ lạc hậu, năng lực quản lý điều hành chưa cải thiện…
Liên quan ý kiến của doanh nghiệp, bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng rất thấu hiểu khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để ngân hàng yên tâm cho vay tín chấp, doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường công khai, minh bạch tài chính.
Tương tự, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị, doanh nghiệp để tạo niềm tin cho ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số… để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Liên quan đến câu chuyện tiếp cận vốn của doanh nghiệp, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, cung ứng vốn cho nền kinh tế là vấn đề lớn, luôn được Ngân hàng Nhà nước chú trọng. Từ đầu năm đến nay, trong điều kiện nền kinh tế hết sức khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tín cho doanh nghiệp; đảm bảo duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng; nhiều lần hạ lãi suất điều hành; hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép ngân hàng cho vay online, cho phép doanh nghiệp được vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác…
Đến thời điểm này, tín dụng chỉ tăng trưởng 7%, thấp hơn mức 10% cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi suất rẻ nữa cũng không vay vì vay không để làm gì.
“Chuyện doanh nghiệp than thiếu vốn, ngân hàng lại kêu ế vốn phải đỏ mắt tìm doanh nghiệp không phải là chuyện mới. Giải quyết tình trạng này không phải bằng vấn đề cơ chế, mà là bài toán của thị trường. Ngân hàng thắt điều kiện vay quá chặt, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn thì buộc phải xem xét, song nếu ngân hàng cho vay ào ào”, cho vay dễ dãi cũng sẽ nảy sinh ra nhiều hệ lụy. Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay”, Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Kích cầu để ngân hàng chữa bệnh “thừa tiền”
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, cần đưa ra và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kích cầu sức mua.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong 3 quý mới đi được 1/3 chặng đường cả năm.
Cụ thể, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng Nhà nước (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, song hoạt động cho vay đã từng bước được cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Trước đó, tính đến 21/9, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 5,9 so với đầu năm (tức tín dụng bình quân mỗi tháng chỉ tăng hơn 0,6%), đạt khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong khoảng 9 ngày cuối tháng 9/2023, tín dụng tăng 1%, tương đương 120.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, chỉ có thể đạt khoảng hơn 12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, sản xuất gặp khó khăn. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản - cho vay mua nhà (mảng chiếm tỷ trọng 70% của ngân hàng) giảm mạnh do thị trường nhà đất gặp nhiều khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,355 tỷ tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8/2023. Trước đó, tháng 8/2023, tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng gần 1% so với tháng 7/2023.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, nếu cầu không có thì đẩy mạnh vốn hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền. Do đó, theo dự báo của ông Huân, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế năm nay khả năng chỉ đạt 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%.
Công ty Chứng khoán MBS cũng cho hay, thị trường bất động sản là khu vực thu hút nguồn vốn tín dụng lớn nhất, nhưng vẫn tiếp tục trầm lắng trong nửa đầu năm, khi số lượng giao dịch giảm 40%, số lượng Dự án hoàn thành xây dựng giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với việc tăng trưởng GDP thấp và tổng cầu thế giới suy yếu, mặt bằng lãi suất dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao, nên chưa thể kích thích nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các tổ chức tín dụng nhận định rằng, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả kỳ điều tra quý III/2023.
Kết quả trên cho thấy, việc đẩy vốn ra nền kinh tế của ngành ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm phần trăm trong quý cuối năm. Trong lần khảo sát trước, các tổ chức tín dụng từng dự báo lãi suất trong quý III/2023 giảm 0,31 - 0,41%. Như vậy, tốc độ giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ chậm lại vào những tháng cuối năm.
Trong khi đó, tỷ lệ các tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng “cải thiện” trong quý III/2023 đã thấp hơn so với quý II, cũng như thấp hơn với kỳ vọng của kỳ điều tra trước. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV/2023, do kỳ vọng kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu phục hồi.
Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay…, lãi suất cho vay đã, đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay, với mức giảm 1-4% đối với doanh nghiệp và 1-3% đối với khách hàng cá nhân, nên nhà băng kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Do đó, giải pháp trước hết là phải kích cầu sức mua, giảm thêm lãi vay..., thì ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa tiền”.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm doanh nghiệp khó khăn, nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Vì thế, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, cần có thêm giải pháp kích cầu, thay vì tập trung kích cung vốn.
Trong khi đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng năm nay tăng thấp hơn so với năm ngoái xuất phát từ những khó khăn trong và ngoài nước đã tác động đến doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra 11 giải pháp lớn để mở rộng tín dụng. Thông qua các giải pháp này, tín dụng được kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế.
Theo ông Tú, 3 tháng cuối năm, theo thông lệ, tín dụng sẽ tăng nhanh hơn, ngân hàng sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nợ xấu tăng và trách nhiệm từ hai phía
Với việc nợ xấu ngân hàng tăng, có người cho là do người vay, trong khi ý kiến khác quy trách nhiệm cho người cho vay.
Người vay không thể đứng ngoài trách nhiệm đối với nợ xấu của ngân hàng. Khi lãi suất cho vay cao, người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ thì dễ hiểu, nhưng nay, sau 4 lần giảm lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1% so với cuối năm trước, mà nợ xấu tăng lên, thì cần phải tìm hiểu nguyên nhân.
Thực tế, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp thấp do nhiều nguyên nhân.
Trước hết và quan trọng nhất là hiệu quả hoạt động của người vay rất thấp. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế bình quân năm 2021 chỉ đạt 4,29%, không những thấp hơn lãi suất đi vay, mà còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực còn mang dấu âm (lỗ) hoặc có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn tỷ suất chung. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế năm 2023 có thể còn thấp hơn năm 2021 và 2022. Doanh nghiệp gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra.
Ở đầu vào, tỷ trọng vốn từ ngân hàng lớn (khoảng 2/3 tổng giá trị tài sản), lãi suất dù đã hạ, nhưng vẫn còn khá cao. Việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp khó khăn, trong khi nợ lớn…
Ở đầu ra, cầu tiêu dùng tuy tăng, nhưng quy mô vẫn còn thấp do tâm lý “tích cốc phòng cơ”, “thắt chặt chi tiêu” xuất hiện trong hơn 2 năm đại dịch vẫn còn tiếp tục. Xuất khẩu hàng hóa tuy có tăng trong mấy tháng gần đây, nhưng tính chung các kỳ này và khả năng cả năm so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm, do nhu cầu thế giới còn thấp, mặc dù lãi suất cơ bản không tăng, nhưng vẫn ở mức cao; kim ngạch nhập khẩu còn giảm nhiều hơn xuất khẩu…, gây khó khăn về nguyên vật liệu để sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong chu kỳ sau…
Với việc doanh nghiệp gặp khó khăn về điều kiện vay, ngân hàng đã giảm bằng cách hoãn nợ, cơ cấu lại nợ…, nhưng chưa được nhiều.
Tổng hợp chung là nhu cầu vay vốn và khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế còn thấp và đó là trách nhiệm của người vay đối với nợ xấu tăng.
Về vị thế, người cho vay là các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp. Cho vay là phải “trông giỏ bỏ thóc”. Lãi suất cho vay giảm ít hơn lãi suất huy động, nhưng còn phải xử lý lãi suất huy động ở mức cao trong thời gian trước, do “độ trễ” của sự chuyển động của dòng vốn với mức lãi suất khác nhau.
Về tốc độ tăng tín dụng, tính đến cuối tháng 9 mới tăng 6,29%; sau 9 tháng còn thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng theo định hướng (14%); khả năng cả năm được dự báo chỉ đạt 12% và thuộc loại thấp so với nhiều năm trước (năm 2016 tăng 18,25%; năm 2017 tăng 18,28%; năm 2018 tăng 10,07%; năm 2019 tăng 13,65%; năm 2020 tăng 12,17%; năm 2021 tăng 13,6%; năm 2022 tăng 14,5%).
Về vai trò của tín dụng (vừa góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, vừa bảo đảm an toàn hệ thống) có một số điểm đáng lưu ý.
Vai trò góp phần tăng trưởng kinh tế - mục tiêu ưu tiên hiện nay- sẽ gặp khó khăn khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.
Vai trò góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu có triển vọng đạt được, nhưng bắt đầu từ tháng 9, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng đột ngột tăng cao khác thường, lần đầu tiên CPI bình quân 9 tháng từ giảm đã quay đầu tăng, có thể cả năm không cao hơn 4%, nhưng có thể sẽ tăng cao vào Tết Nguyên đán.
Vai trò bảo đảm an toàn hệ thóng cũng còn gặp khó khăn, khi lãi suất tiền gửi giảm, dòng tiền sẽ không trở lại ngân hàng, mà có thể chạy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, rồi vàng, tiền ảo, rồi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia…
Việc giải quyết nợ xấu phải được kết hợp bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, nhất là công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao, giảm tỷ trọng cho vay vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Mặt khác, vẫn phải giữ vị trí “trông giỏ bỏ thóc”, bảo đảm an toàn hệ thống… Các doanh nghiệp cần chuyển dịch cơ cấu, đón lõng các đơn hàng, tranh thủ lúc giá nhập khẩu còn giảm, cơ cấu lại các khoản nợ…
Ngân hàng kinh doanh đi xuống vì quá thừa tiền
Tiền gửi tiết kiệm ùn ùn chảy vào ngân hàng, trong khi tín dụng tăng trưởng chậm khiến NIM một loạt ngân hàng bị thu hẹp trong quý III/2023.
Báo cáo tài chính quý III/2023 của BacABank cho thấy, tính tới cuối quý III/2023, tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng 4,8%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 18,2% so với đầu năm. Tiền gửi tăng nhanh, gánh nặng trả lãi cho người gửi tiền lớn, trong khi thu nhập từ hoạt động cho vay tăng chậm là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi (cho vay) sút giảm. Trong quý III/2023, thu nhập từ lãi của BacABank chỉ tăng 24,5%, trong khi chi phí lãi tăng tới 43%, khiến thu nhập lãi thuần giảm tới 33%.
Huy động tăng nhanh hơn tín dụng cũng là nguyên nhân khiến gánh nặng chi phí lãi của nhiều ngân hàng tăng lên trong quý III, làm sút giảm biên lợi nhuận. Tính tới cuối tháng 9/2023, ước tính tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 8,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 3,6% - nguyên nhân chính khiến NIM ngân hàng này sụt giảm. Tình trạng này dự kiến diễn ra ở nhiều ngân hàng khác như VIB (huy động vốn tăng 7%, cho vay tăng 5%), HDBank (huy động vốn tăng 50%, tín dụng tăng khoảng 12% so với đầu năm), ACB…
Một số ngân hàng tuy tín dụng tăng cao hơn huy động vốn, song lợi nhuận bị ăn mòn bởi chi phí dự phòng rủi ro gia tăng để chống đỡ với nợ xấu. Đơn cử, BIDV được dự báo là ngân hàng có lợi nhuận đi lùi duy nhất trong nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh, dù tín dụng cao hơn huy động. Trích lập dự phòng gia tăng khiến lợi nhuận ngân hàng này dự kiến giảm 10-12% trong quý III/2023.
Trong khi đó, TPBank, VIB, VPBank… cũng dự báo lợi nhuận giảm trong quý III/2023 do NIM suy giảm và gánh nặng trích lập dự phòng gia tăng, bất chấp tín dụng tại các ngân hàng này tăng khả quan.
Nhìn chung, đa phần các ngân hàng đều dự báo NIM giảm, nợ xấu tăng, chi phí dự phòng tăng trong quý III/2023. Hiện tại, ngoài BacABank công bố lợi nhuận giảm tới 73% trong quý III/2023, thì 5 ngân hàng khác dự báo lợi nhuận đi lùi là TPBank, MSB, VIB, Techcombank, VPBank và VIB.
Nếu cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 2%, thì đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 3,56%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống đã lên tới 6,16%.
Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, thời gian tới, nợ xấu có thể còn gia tăng do tình hình sản xuất - kinh doanh nhiều bất lợi ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.
Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, hộ gia đình yếu đi trong khi khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện. Còn thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản. Thị trường mua, bán nợ còn nhiều hạn chế; ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng vẫn thấp khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu kéo dài, kém hiệu quả…
Nhằm đối phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, tuần qua, NHNN có công văn gửi tới các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi, xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; chủ động rà soát, phát hiện các trường hợp phân loại nợ, trích lập dự phòng chưa đúng quy định để chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo việc phân loại nợ, trích lập dự phòng phản ánh đúng chất lượng nợ. Thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu phải thoái nhưng chưa thoái theo đúng quy định; đồng thời rà soát các chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Room vốn ngoại hiện nay đang là tối đa 30%, song Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới.
Tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra hôm nay (16/10), ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thời gian qua, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ.
Thứ nhất, về thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo thanh khoản, có ý nghĩa quan trọng cho môi trường tài chính, kinh tế và tất cả các chủ thể như người dân, doanh nghiệp...
Thứ hai, về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành ổn định, linh hoạt, trong đó góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Năm nay, NHNN là một trong số ít ngân hàng Trung ương có thể giảm lãi suất điều hành, qua đó, lãi suất của thị trường cũng giảm, thể hiện rõ qua mặt bằng lãi suất và thanh khoản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận vốn, tín dụng nếu cần thiết với chi phí thấp hơn.
Liên quan đến tỷ giá tiền tệ, điều các nhà đầu tư rất quan tâm, Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng điều hành ổn định thị trường ngoại tệ trong lúc thuận lợi cũng như khó khăn; ổn định tỷ giá. Các tổ chức tín dụng luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua và bán ngoại tệ của các chủ thể kinh tế trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng can thiệp thị trường để đảm bảo khi thị trường thừa ngoại tệ thì Ngân hàng Nhà nước can thiệp để mua vào. Đặc biệt, năm 2022, khi thị trường rất khó khăn, Hoa Kỳ thắt chặt tiền tệ, rút tiền về thì hệ thống ngân hàng luôn đảm bảo cung ngoại tệ cho thị trường.
Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện nay, quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 30% một tổ chức tín dụng trong nước. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong nước, ưu tiên nâng sở hữu của nhà đầu tư có thể giúp đỡ ngân hàng nhận chuyển giao các ngân hàng yếu kém, xử lý theo hướng làm mới. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Phó thống đốc khẳng định, gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn "nóng", mang tính "đầu cơ", hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lại Minh Thúy, Giám đốc Khối giải pháp tài chính và thương mại, Ngân hàng Citibank đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ và đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đứng trước những thách thức toàn cầu.
Liên quan tới lĩnh vực ngân hàng, bà Thúy cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần được tiếp cận dễ dàng và hiệu quả với các khoản vay ngân hàng tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Vì vậy, đại diện Citibank mong muốn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét các ý kiến đóng góp của nhóm công tác ngân hàng để Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng tới đây vừa đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng tập trung hiệu quả vừa thúc đẩy hoạt động đầu tư của khối đầu tư nước ngoài trong dài hạn tại Việt Nam.
Về thị trường vốn, việc nâng hạng tín nhiệm lên mức đầu tư và nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi (từ thị trường cận biên) sẽ mang lại nhiều nguồn vốn quốc tế đổ vào Việt Nam. Do đó, bà Thúy kỳ vọng, với quyết tâm và nỗ lực để nâng hạng thị trường, Chính phủ sẽ tích cực giải quyết những vấn đề tồn tại để Việt Nam sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Theo Citibank, Việt Nam được dự đoán là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2030. Trong tương lai, nguồn vốn đầu tư nước chảy vào Việt Nam sẽ mở rộng và đa dạng hơn, hướng tới thị trường trong nước nhiều hơn so với chủ yếu là hướng tới thị trường xuất khẩu như hiện nay.
Loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III
TPBank ghi nhận lợi nhuận 5.000 tỷ đồng sau 9 tháng, giảm so với cùng kỳ do ngân hàng cam kết giảm lãi vay ước tính gần 1.400 tỷ đồng, cùng 76 tỷ đồng các loại phí cho khách hàng trong năm nay.
LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2023 đạt 1.241 tỷ đồng, tăng 41% so với quý trước cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, giữ được đà tăng trưởng, và có tiềm năng bứt phá trong 3 tháng cuối năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đồng thời LPBank tích cực thực hiện các chính sách giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng nên lợi nhuận trước thuế lũy kế trong 3 quý đầu năm 2023 của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, tuy giảm 24% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn hoàn thành 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm.
BCTC của Saigonbank cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 65 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này có được chủ yếu nhờ ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động (giảm 4,4% so với cùng kỳ xuống 149 tỷ đồng). Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro cũng giảm 26% xuống 15 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động của Saigonbank trong quý 3 thực tế thấp hơn cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính của ngân hàng đều tăng trưởng âm, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 3,7% xuống 206 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của Saigonbank đạt 248 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét chung 9 tháng, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng vẫn đến từ việc giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro (giảm 50% xuống còn hơn 100 tỷ đồng).
Tại VPBank , lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng trong quý 3/2023 đạt 3.117 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ, tuy nhiên đã có sự cải thiện so với quý 1 và quý 2/2023. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của VPBank hợp nhất đạt 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân sụt giảm này đến từ việc quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu đột biến từ thoả thuận bảo hiểm độc quyền.
PGBank báo lãi trước thuế quý 3/2023 là 56,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Tất cả các mảng kinh doanh bao gồm: thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán của PG Bank đều ghi nhận lãi quý 3 sụt giảm so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng này đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.