Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngân hàng rầm rộ hạ lãi suất huy động, big 4 lên kế hoạch giảm lãi vay
T.L - 16/02/2023 08:18
Với sự tiên phong của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, làn sóng hạ lãi suất huy động đang lan rộng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đang lên kế hoạch giảm lãi vay, dẫn đầu là Agribank.
Agribank chuẩn bị giảm lãi suất cho vay

Agribank, Vietcombank dẫn sóng hạ lãi suất huy động

Tuần qua, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (big 4) đã cùng đồng thuận hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Ngay sau cuộc họp này, Agribank là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất đầu tiên. Hiện lãi suất huy động online kỳ hạn 6 tháng,12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm, ngang với lãi suất huy động tại quầy. Trong khi đó, Vietcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động online ở kỳ hạn 12 tháng xuống mức ngang bằng Agribank (7,4%/năm). BIDV và VietinBank vẫn chưa công bố biểu lãi suất mới nhưng dự kiến cũng sẽ sớm có sự điều chỉnh.

Hiện nhóm big 4 đang chiếm khoảng 45% thị phần tín dụng và thị phần huy động vốn toàn hệ thống. Việc giảm lãi suất huy động một số kỳ hạn của nhóm “anh cả” này sẽ kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn thị trường xuống, giúp các ngân hàng có điều kiện hạ chi phí vốn để giảm lãi vay cho khách hàng.

Với sự điều chỉnh này, mặt bằng lãi suất huy động của nhóm big 4 tiếp tục giữ mức thấp nhất thị trường giống như nhiều năm qua. Mặc dù có sự chênh lệch về lãi suất với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, song với uy tín và mức độ an toàn cao, nhóm ngân hàng này vẫn sở hữu thị phần huy động vốn cao nhất hệ thống. Hiện tại, nếu xét về vốn huy động, Agribank có thị phần lớn nhất với 1,71 triệu tỷ đồng, tiếp theo là BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Xét về dư nợ tín dụng, BIDV và Agribank dẫn đầu, tiếp đến là Vietinbank và Vietcombank.

Cùng với sự tiên phong của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, làn sóng giảm lãi suất đã lan rộng đến toàn bộ các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo khảo sát của Báo Đầu tư ngày 15/2, hiện mặt bằng lãi suất huy động online cao nhất trên thị trường đã hạ xuống còn 9,5%/năm, áp dụng phổ biến cho kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ở khối ngân hàng thương mại cổ phần chỉ còn phổ biến ở mức 8,8-9,3%, chỉ còn lác đác vài ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Như vậy, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất huy động cao nhất về dưới 9,5%/năm, đúng như cam kết với Hiệp hội ngân hàng trước đó

So với thời điểm trước Tết, đặc biệt là vào tháng 11/2022 có những ngân hàng dâng lãi suất huy động lên 12-13%/năm, thì lãi suất huy động trên thị trường đã hạ nhiệt đáng kể. Còn so với tháng 01/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng TMCP đã giảm khoảng 0,5-1%/năm. Tình trạng thỏa thuận lãi suất và chênh lệch lãi suất (gửi online và gửi tại quầy) vẫn còn nhưng mức chênh lệch lãi suất và lãi suất thỏa thuận không còn cao như trước.

Với tiềm lực tài chính, thời gian qua, nhóm big 4 ngân hàng không chỉ duy trì được mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định mà còn tham gia đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém.

Lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt theo

Cùng với lãi suất huy động hạ nhiệt, mặt bằng lãi suất cho vay dự báo cũng sẽ hạ nhiệt thêm thời gian tới, tất nhiên cần độ trễ nhất định. Hiện tại, nhiều ngân hàng thương mại đang lên kế hoạch giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, dẫn đầu là nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Lên kế hoạch mạnh tay giảm lãi suất cho vay nhất là Agribank. Ngân hàng này cho biết, dự kiến trong năm 2023, sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh;…

Riêng với nhóm khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản, ngày 14/2 vừa qua, Agribank đã có văn bản chỉ đạo các chi nhánh xem xét điều chỉnh giảm lãi suất và kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng (cho vay bổ sung, cơ cấu lại thời hạn trả nợ,…).

Hôm qua (14/2), VietinBank cũng vừa công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua. Một số ngân hàng TMCP khác cũng rục rịch lên kế hoạch tung các gói vay lãi suất ưu đãi, song quy mô còn nhỏ.

Trước đó, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, một loạt ngân hàng đã công bố nhiều chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Agribank giảm 20% mức lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng. BIDV cũng có chương trình tương tự quy mô 100.000 tỷ đồng với lãi vay ưu đãi…  

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính, tiền tệ quốc gia khẳng định, ngay từ cuối năm 2022, khi một số NHTM dâng lãi suất huy động quá cao, NHNN đã có sự nhắc nhở. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nỗ lực duy trì lãi suất ổn định, tiên phong giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với sự tiên phong của nhóm ngân hàng big 4, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ bớt căng thẳng thời gian tới. Tuy vậy, trong bối cảnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới có khả năng tiếp tục tăng, mức hạ lãi suất trong nước thời gian tới có thể chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp. Các ngân hàng muốn hạ lãi suất phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thanh khoản, lạm phát…

“Lãi suất tiết kiệm hạ nhiệt sẽ giúp lãi suất cho vay giảm. Thực tế, các ngân hàng rất muốn giảm thêm lãi suất cho vay vì nếu lãi suất tăng cao thì ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng vì vậy cũng tăng cao. Tuy vậy, mức độ giảm lãi vay cần phải tính toán kỹ, tùy thuộc vào mức giảm lãi suất huy động cũng như đặt trong bối cảnh Fed có thể sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích thêm.  

Tin liên quan
Tin khác