Ngân hàng
Ngân hàng rục rịch công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm
Hà Tâm - 10/07/2016 08:02
Cùng với việc rục rịch công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ không tăng nhiều, thậm chí còn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận khả quan nhưng vẫn lo ngay ngáy

Tính đến thời điểm này, mới chỉ có 2 ngân hàng chính thức công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và TPBank.

Cụ thể, BIDV cho hay, lợi nhuận 6 tháng đầu năm ước đạt 3.600 tỷ đồng (trước thuế), tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng trưởng tốt so với cùng kỳ là tín dụng phục hồi khá mạnh: tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm. Ước tính đến hết tháng 6/2016, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 8-9% so với đầu năm 2016 và khả năng cả năm sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 18%. Nếu đạt được mục tiêu này, BIDV cũng sẽ “về đích” được lợi nhuận.

.

Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận là TPBank. Lãnh đạo TPBank cho hay, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 của ngân hàng khá tốt, các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt tín dụng tăng trưởng 18% kể từ đầu năm đến nay, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống. 

“Hiệu quả hoạt động của ngân hàng khả quan, dù ngân hàng luôn duy trì chính sách giá cạnh tranh và có nhiều chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay, hưởng ứng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lợi nhuận lũy kế 6 tháng của ngân hàng đạt 205 tỷ đồng sau khi đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro”, đại diện TPBank cho hay.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tín dụng phục hồi nên lợi nhuận ngân hàng sẽ khả quan hơn, bởi hiện khoảng 80% lợi nhuận ngân hàng nhờ vào tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay, lợi nhuận biên của các ngân hàng khá thấp, chỉ khoảng 2,7%. Do đó, dù tín dụng tăng khá mạnh, song lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không tăng tương ứng.

Đây cũng là lý do nhiều ngân hàng hết sức thận trọng với kế hoạch lợi nhuận năm nay. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, mục tiêu lợi nhuận của VietinBank năm 2016 là 7.900 tỷ đồng, chỉ tăng 8% so với năm 2015. Thậm chí, tại một số ngân hàng cỡ trung, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay chỉ khoảng 3-5%.

Một kết quả khảo sát cách đây không lâu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, kỳ vọng về lợi nhuận của các ngân hàng đang giảm sút trong quý II/2016.

Mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro

Ngoài lý do kinh tế phục hồi chưa bền vững, thì một lý do nữa khiến lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm nay không như kỳ vọng là do là các ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro.

Mặc dù BIDV chưa thông báo con số trích lập dự phòng rủi ro quý II/2016, song chắc chắn con số này cũng lên đến cả ngàn tỷ đồng. Trước đó, quý I/2016, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng gấp đôi cũng ăn mòn gần một nửa lợi nhuận của ngân hàng này. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV từ  4.068 tỷ đồng (trước khi trích lập) giảm chỉ còn 2.077 tỷ đồng (sau trích lập).  Tuy nhiên, nhờ mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro mà nợ xấu của BIDV được kiềm chế ở mức dưới 2%.

Tương tự, dù không công bố chi tiết, song chắc chắn trích lập dự phòng rủi ro cũng tác động một phần đến lợi nhuận của TPBank. Lý do là, 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng này tăng trưởng tín dụng rất tốt, nhưng lợi nhuận lại thấp hơn  so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp nhất hệ thống (0,56%), cho thấy ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro để ghìm nợ xấu.   

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, ít nhất đến hết năm 2018, lợi nhuận ngân hàng sẽ khó có đột biến, bởi trong khoảng 3 năm tới, ngân hàng vẫn sẽ phải tập trung xử lý nợ xấu. Đặc biệt, năm 2015, Ngân hàng Nhà nước ráo riết thúc ép các tổ chức tín dụng giảm nợ xấu xuống dưới 3%, trong đó có giải pháp bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Với thời hạn trích lập dự phòng rủi ro trong 5 năm của trái phiếu đặc biệt VAMC, rõ ràng 3 năm tới, các khoản trích lập vẫn sẽ tiếp tục làm giảm lợi nhuận ngân hàng.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho hay, những tháng đầu năm 2016, chỉ tính riêng các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán thì tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro đã chiếm khoảng 40% lợi nhuận của ngân hàng.

Tin liên quan
Tin khác