Chiều ngày 7/3, Nam A Bank vừa có thông báo tiến hành thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với chung cư Khang Gia Tân Hương.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) vay vốn tại Nam A Bank từ năm 2011 và phát sinh nợ xấu từ năm 2015.
Tài sản bảo đảm của khoản vay là: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại một phần thửa đất 503, tờ bản đồ số 127, 130, thửa đất số: 103, tờ bản đồ số 127 BĐC, thửa đất số 301, tờ bản đồ số 213 tại phường Tân Quý, quận Tân Phú và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất hình thành trong tương lai là chung cư Khang Gia Tân Hương theo các hợp đồng thế chấp hai bên đã ký.
Nam A Bank cho biết, đã nhiều lần làm việc và thảo luận phương án trả nợ, tuy nhiên, đến nay Công ty Khang Gia vẫn chưa giải quyết dứt điểm khoản vay.
Đầu năm 2019, căn cứ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Nam A Bank đã ra thông báo số 08/2019/TB-AMC ngày 28/02/2019 về việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp.
Theo các nội dung của thông báo: “Bên thế chấp, bên thứ ba (nếu có) có nghĩa vụ phối hợp và bàn giao tài sản thế chấp cho Nam A Bank để xử lý tài sản nói trên theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia, bên thứ ba (nếu có) không bàn giao tài sản để xử lý thu giữ, thì Nam A Bank sẽ phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thu giữ theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, việc thu giữ chỉ tiến hành khi Công ty Khang Gia không hợp tác với Nam A Bank trong việc xử lý khoản vay.
Ngày 04/03/2019, Ngân hàng đã ra thông báo gửi các bên liên quan, niêm yết thông báo tại UBND phường và đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm tại văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Phú, sau đó sẽ đăng ký thông báo này lên cổng thông tin của Ngân hàng theo quy định.
Sáng ngày 07/03/2019, Đại diện Công ty Khang Gia cũng đã phối hợp với Ngân hàng lên phương án tất toán toàn bộ khoản vay.
Nam A Bank luôn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Ngay sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Nam A Bank sẽ giải chấp khoản vay theo quy định.
Theo Nam A Bank, việc ngân hàng tiến hành ra thông báo xử lý, thu giữ tài sản đảm bảo là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 42 của Quốc hội về việc xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng.
“Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm.”
Hiện tại, dư nợ của khoản vay là không quá cao (vài chục tỷ) so với giá trị thực tế của toàn bộ tài sản thế chấp. Vì vậy, việc xử lý sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại chung cư Khang Gia Tân Hương.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, chủ đầu tư Khang Gia Tân Hương đã thế chấp toàn bộ dự án cho Nam A Bank, số nợ không còn nhiều nhưng chủ đầu tư bất hợp tác do vậy ngân hàng phải xiết nợ.
Việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15-4-2019. Ngân hàng cũng thông báo, nếu Công ty Khang Gia trả nợ trước thời điểm xử lý tài sản thì có quyền nhận lại tài sản đó.
Công ty Khang Gia cũng đã xác nhận nghĩa vụ trả nợ và có phương án trả nợ cho Nam A Bank. Nếu hai bên đạt được thống nhất thì sẽ không tiến hành việc thu giữ như trong thông báo.
Trong trường hợp Công ty Khang Gia vẫn không thực hiện cam kết, Nam A Bank sẽ tiến hành xử lý tài sản theo quy định, nhưng trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp cho người mua căn hộ tại Chung cư Khang Gia Tân Hương.
Chung cư Khang Gia Tân Hương hiện có hơn 400 căn hộ với quy mô tầng hầm, trệt và 15 lầu.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa gửi thông báo đến Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Trung Đông (TP.HCM) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.
Chung cư này gồm 120 căn hộ. Lý do là công ty này có khoản nợ tạm tính đến giữa tháng 10/2018 hơn 82 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 33,7 tỷ, lãi hơn 48,7 tỷ đồng. Khoản nợ này đã được một ngân hàng cổ phần bán lại cho VAMC. Ngày 1/12, nếu công ty trên không bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, VAMC sẽ thu giữ toàn bộ tài sản nói trên để xử lý, thu hồi nợ.
Theo đại diện của VAMC, quá trình thu giữ tài sản tuân thủ đúng trình tự quy định, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết số 42 của Quốc hội nhằm xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42. Đồng thời, việc này cũng nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như các tổ chức tín dụng có liên quan.
Việc dự án bị “siết” nợ khiến cư dân đang sống tại đây lo lắng. Đây không phải chung cư đầu tiên bị siết nợ và thông báo thu giữ tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu.
BIDV cũng “rao bán” chung cư nghìn tỷ 584 Tân Kiên ở TP.HCM để siết nợ1.100 tỷ đồng. Chung cư Gia Phú (Thủ Đức, TP.HCM) cũng được BIDV rao bán đấu giá để thu hồi khoản nợ hơn 232 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc 88,9 tỷ đồng còn lại là lãi vay) do những rắc rối liên quan việc tranh chấp tài sản đảm bảo là Chung cư Gia Phú.
Sau BIDV, VietinBank cũng chào bán khoản nợ hơn 21 tỷ của Công ty Địa ốc Gia Phú. Theo thông tin từ VietinBank, tính đến ngày 11/7/2018, dự nợ của khoản vay của công ty Gia Phú tại ngân hàng là gần 21,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc là 6 tỷ đồng và nợ lãi là gần 15,6 tỷ đồng…Việc dự án chung cư Gia Phú bị siết nợ khiến cư dân lo lắng, vì đang ở trong căn nhà của mình nhưng đã được chủ đầu tư đem cầm cố cho ngân hàng để vay vốn nay không biết số phận ra sao.
Vào tháng 6/2018, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố gần 30 dự án Bất động sản đủ điều kiện bán mở nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng đáng nói, trong số đó, không ít dự án đã bị chủ đầu tư đem cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.