Ngân hàng
Ngân hàng sốt ruột việc nới “room” cho vốn ngoại
Thùy Liên - 21/06/2013 06:59
Các ngân hàng đang bày tỏ sự rốt ruột với việc nới room cho vốn ngoại. Không chỉ các ngân hàng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng ban hành quy định mới, nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài.
TIN LIÊN QUAN

Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, thời gian tới, “room” cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước sẽ được tăng thêm. Đặc biệt, các ngân hàng yếu kém phải cơ cấu lại, tỷ lệ cụ thể sẽ được Thủ tướng Chính phủ quy định.

VietinBank - một “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng cũng mong muốn được nới “room” cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Tuy nhiên, không chỉ các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu, mà hầu như tất cả ngân hàng đều muốn tăng “room” sở hữu của khối ngoại để mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết, đến nay, ABBank đã sử dụng hết “room” cổ phần nước ngoài và mong muốn tỷ lệ sở hữu cổ phần của khối ngoại được nâng lên 49% (hiện là 30%).

“Với tỷ lệ này, chúng ta vừa sử dụng được kinh nghiệm, năng lực quản trị từ nước ngoài, đồng thời vẫn giữ được quyền làm chủ”, ông Tiền nói và nhận xét, trong tình hình sức khỏe chưa tốt của hệ thống ngân hàng hiện nay, việc tham gia của các đối tác nước ngoài không chỉ hỗ trợ tài chính đáng kể cho các ngân hàng trong nước, mà còn giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả.

Ngay cả VietinBank - một “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng cũng mong muốn được nới “room” cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

“Cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhà nước sẽ thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực ngân hàng. Tôi đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà nước xuống dưới 65%, thậm chí là dưới 55%. Với tỷ lệ này, số lượng ủy viên HĐQT của ngân hàng không bị giảm, không ảnh hưởng tới quyền biểu quyết các vấn đề lớn. Hiện chúng tôi đã bán hết room 30% cho đối tác ngoại, giá cổ phiếu rất tốt, nhưng muốn bán cũng không thể bán thêm được nữa”, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank nói.

Cũng theo ông Hùng, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, cần phải tăng “room” và tạo thủ tục thông thoáng để các nhà đầu tư ngoại có thể mua nợ xấu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một ngân hàng TMCP than phiền thời gian xử lý hồ sơ của Ngân hàng Nhà nước quá chậm. Có những hồ sơ đề nghị bán cổ phần cho đối tác ngoại đã gửi tới Ngân hàng Nhà nước hơn 1 năm, nhưng cơ quan này vẫn chưa cho ý kiến phản hồi.

Trước sự sốt ruột của các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, Dự thảo Nghị định mới của Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất với Chính phủ mở “room” cho đối tác ngoại.

“Đây là thời điểm thích hợp để đưa ra đề xuất này, nhưng nới tới bao nhiêu, vào thời điểm nào cũng đang cần cân nhắc kỹ. Bởi ngoài mong muốn chủ quan, việc mở rộng “room” cho đối tác nước ngoài cũng đang vướng nhiều quy định pháp luật. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam để sớm đưa ra đề xuất thích hợp về tỷ lệ cổ phần tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài với các ngân hàng Việt Nam”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Tin liên quan
Tin khác