Ngân hàng
Ngân hàng thoái vốn, cổ phiếu “vua” tràn ngập thị trường
Thùy Vinh - 25/10/2018 15:37
Sau thành công của các đợi thoái vốn trong quý III/2018, các nhà băng tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Tuy nhiên, cổ phiếu một số ngân hàng chào bán mới đây rất ế ẩm.

Cổ phiếu ngân hàng ế ẩm

Sau khi cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) “ế hàng”, cổ phiếu EIB của Eximbank do Vietcombank (VCB) vừa chào bán cũng không tìm được người mua. Theo đó, không nhà đầu tư nào đăng ký tham dự phiên đấu giá chào bán 45,6 triệu cổ phiếu EIB do VCB sở hữu.

VCB đã đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB vào ngày 15/10 với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá giao dịch trên sàn chứng khoán nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư mua 10.000 cổ phiếu MBB với giá đặt mua trung bình là 21.900 đồng/cổ phiếu

Theo kế hoạch, phiên đấu giá trên dự kiến được tổ chức vào ngày 22/10, nhưng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá, nên cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.

Trước đó, theo thông báo đấu giá, VCB chào bán 45,6 triệu cổ phiếu EIB với giá khởi điểm 14.497 đồng/cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, nhằm thực hiện Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

VCB cũng đã đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phiếu MBB vào ngày 15/10, với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng, chỉ có 1 nhà đầu tư mua 10.000 cổ phiếu MBB với giá đặt mua trung bình là 21.900 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ hơn 53 triệu cổ phiếu MBB còn lại sẽ được bán khớp lệnh trên sàn HoSE.

Nếu thoái thành công hơn 53 triệu cổ phần MBB trong đợt tới, VCB cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại MB xuống dưới 5%, đáp ứng đúng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Chủ tịch HĐQT VCB, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho VCB được quyết định tỷ lệ thoái vốn tại Eximbank và MB. Do đó, VCB không cần thoái hết vốn tại MB. Nhiều khả năng, VCB sẽ thoái hết vốn tại Eximbank.

Trước đó, để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, VCB đã thoái vốn khỏi OCB, Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng.

Tiếp tục thoái vốn

Mặc dù nguồn cung cổ phiếu “vua” dịp cuối năm được dự báo là rất lớn khi các nhà băng chạy đua tăng vốn, bán cho cổ đông nước ngoài…, nhưng để đáp ứng quy định, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác.

VietinBank muốn bán hết vốn cổ phần tại Saigonbank (trước đó, nhà băng này từng thoái vốn thành công tại Saigonbank để giảm tỷ lệ sở hữu còn 4,91%). Cụ thể, mới đây, VietinBank đã công bố việc sẽ thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn sở hữu tại Saigonbank.

Không chỉ có các ngân hàng, mà ngay cả Thành ủy TP.HCM cũng cho biết sẽ thoái vốn tại Saigonbank và DongA Bank. Với chủ trương không làm kinh tế, có thể trong năm nay và năm tới, Thành ủy TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc thoái vốn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng.

Saigonbank hiện có vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất là Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nắm hơn 18% vốn). Các cổ đông lớn khác là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (hơn 16%), Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (hơn 16%), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (hơn 14%)…

Ngoài Saigonbank, Thành ủy TP.HCM còn có khoản góp vốn tại DongA Bank và là cổ đông lớn thứ 3, sở hữu 6,87% vốn ngân hàng này.

Tuy nhiên, hiện tại, mọi hoạt động tại ngân hàng này, đặc biệt là những hoạt động liên quan tới góp vốn mua cổ phần gần như đóng băng, bởi DongA Bank đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, cổ phiếu ngân hàng cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Tin liên quan
Tin khác