Quốc tế
Ngân hàng Trung ương Anh: Biến thể Omicron tiềm ẩn rủi ro "hai mặt" đối với lạm phát
Lê Quân - 18/12/2021 12:18
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ đánh giá thận trọng những rủi ro mà biến thể Omicron gây ra sau khi ra quyết định bất ngờ tăng lãi suất.
Giá thực phẩm tăng cao cũng là nguyên nhân khiến lạm phát Anh tăng mạnh. Ảnh: AFP

Trong động thái sớm hơn kỳ vọng của thị trường, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất cơ bản lên 0,25% từ mức thấp kỷ lục 0,1% trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và thị trường lao động bị thắt chặt.

Lạm phát của Vương quốc Anh trong tháng 11 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất trong 10 năm qua và gấp 2,5 lần so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Anh đề ra. Cơ quan này hiện dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng đạt đỉnh lên mức 6% vào tháng 4/2022.

Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), lạm phát tăng mạnh là do giá xăng dầu và ô tô đã qua sử dụng cùng tăng cao. Tuy nhiên, giá cả hầu hết các hàng hóa và dịch vụ khác đều đi lên và góp phần làm tăng lạm phát.

Lý giải thêm về nguyên nhân lạm phát, ông Grant Fitzner, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh cho biết, giá nhiên liệu đã tăng đáng kể, đẩy giá xăng trung bình lên mức cao chưa từng thấy. Chi phí quần áo cũng tăng sau khi ghi nhận giảm vào thời điểm này năm ngoái, cùng với đó là việc giá thực phẩm, thuế thuốc lá đều leo thang.

Trong tháng 11, nền kinh tế Anh ghi nhận thêm 257.000 việc làm trong khi nhu cầu tuyển dụng các vị trí vẫn rất cao. Con số này phần nào cho thấy rằng nguồn cung lao động đang bị nghẽn.

"Biến thể Omicron đã gây ra thêm mức độ không chắc chắn đối với các đánh giá của chúng tôi về nền kinh tế, triển vọng lạm phát và diễn biến thị trường lao động", ông Huw Pill, Giám đốc điều hành mảng nghiên cứu và phân tích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh cho hay.

Theo ông Huw Pill, Ngân hàng Trung ương Anh cần có những bước đi thận trọng và xem xét liệu Omicron có thể làm đảo ngược một số động lực của nền kinh tế Anh trong 6 tháng qua và hơn thế nữa hay không, đặc biệt là nút thắt của thị trường lao động.

"Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là rủi ro liên quan đến Omicron có lẽ là rủi ro hai mặt, ít nhất là vì nó được phản ánh vào mục tiêu cốt lõi, tham vọng của chúng tôi về triển vọng lạm phát trong trung hạn", ông Huw Pill đánh giá.

Chuyên gia kinh tế trưởng Huw Pill cho rằng, việc cần làm hiện nay là theo dõi biến thể Omicron tác động ra sao đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, thận trọng lý giải những tác động đó đến triển vọng lạm phát trong trung hạn.

Trên thực tế, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ đáng báo động tại Vương quốc Anh. Quốc gia này ghi nhận gần 90.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 16/12 và mới đây đã áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội mới nhằm ngăn chặn biến thể này.

Bất chấp mối đe dọa mới, Ủy ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh vẫn lựa chọn quyết định thận trọng là tăng lãi suất để đối phó với lạm phát hơn là đợi chờ kết quả rõ ràng hơn về tác động của Omicron. Giờ đây Ủy ban Chính sách Tiền tệ sẽ phải cố gắng đánh giá xem nên tăng tốc chu kỳ thắt chặt chính sách hay giữ chính sách nới lỏng tương đối.

"Trong khi Ngân hàng (BoE) vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu trong trung hạn, động thái đó (tăng lãi suất - BTV) sẽ giúp tối đa hóa cơ hội để đạt được mục tiêu của họ trong thời gian từ 2 đến 3 năm", ông Jim Reid, Giám đốc toàn cầu về chiến lược tín dụng cơ bản và nghiên cứu chuyên đề tại Tập đoàn tài chính Deutsche Bank nhận định.

Chuyên gia Deutsche Bank đánh giá, những rủi ro lạm phát trên thực tế đang gia tăng và nguy cơ tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tăng lên, khi mà sự lây lan của Omicron đang đe dọa làm "trật bánh" guồng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tin liên quan
Tin khác