Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa phát đi thông báo tiếp tục giảm lãi suất để cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch COVID-19.
Theo đó, đối với khoản vay tại thời điểm 15/7/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm từ 0,5 điểm % và từ 0,7 điểm % trở lên.
Ước tính, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng cho việc tiếp tục giảm lãi suất lần này.
Bên cạnh đó, Agribank cho biết ngân hàng cũng đã tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại nợ gốc và lãi, miễn phí chuyển tiền trong nước, ủng hộ công tác phòng chống dịch.
Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết năm nay và được áp dụng tại 2.300 điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa cho biết, tiếp nối các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh bởi những tác động của dịch bệnh Covid từ năm 2020, ngân hàng tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%.
Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được tiếp cận với gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Bản Việt.
Căn cứ vào thực trạng của doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng cụ thể, các doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng đưa ra các giải pháp phù hợp như giảm lãi suất vay ngắn hạn, trung và dài hạn đến 2%/năm, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí...
Ngoài ra, các thủ tục cũng được cải tiến đơn giản, nhanh chóng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận với dòng tiền.
Đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng đang đối mặt với tình trạng khó khăn khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, Ngân hàng Bản Việt còn dành riêng gói tín dụng hỗ trợ với hạn mức 800 tỷ đồng.
Cụ thể, lãi suất vay chỉ từ 7,5%/năm, giảm phí bảo lãnh đến 55%, các loại phí dịch vụ khác giảm từ 10% - 20% cho doanh nghiệp.
Với gói ưu đãi hấp dẫn này, ngay trong thời điểm vô cùng cần thiết với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, xây dựng/xây lắp công trình công,…sẽ giúp doanh nghiệp kịp thời vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bên cạnh gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng, Ngân hàng Bản Việt còn cung cấp gói sản phẩm dạng "all in one", không chỉ có vay mà còn nhiều dịch vụ ưu đãi cho khách hàng trong thời kỳ Covid-19, như gói tài khoản 0 đồng giúp các doanh nghiệp được hưởng dịch vụ tốt nhất mà không phải đóng phí duy trì hay các phí dịch vụ tài khoản nào khác.
Đồng hành cùng khách hàng trong tình hình khó khăn vì dịch Covid - 19, lãnh đạo ACB cho biết, kể từ ngày 15/7 Ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
ACB sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có hợp đồng vay và tại thời điểm đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/7 – 15/10/2021.
Đồng thời, ACB sẽ xét đến mức độ dịch bệnh tác động đến tình hình kinh doanh (doanh thu, lợi nhuận, số lượng lao động,…) của các doanh nghiệp, thu nhập của khách hàng cá nhân và mức độ gắn kết của khách hàng với ACB để có mức giảm lãi suất phù hợp cho cá nhân và doanh nghiệp đang vay tại ACB.
Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB còn đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho khách hàng doanh nghiệp và 7%/năm cho khách hàng cá nhân từ nay đến 31/10/2021.
Gói vay ưu đãi này được ACB đưa ra với mục tiêu giúp khách hàng có thể sử dụng những giải pháp tài chính như một nguồn lực giúp khách hàng phục hồi kinh doanh và nguồn thu để trả nợ vay.
Tương tự, LienVietPostBank cũng dự kiến triển khai gói tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ tín dụng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu giảm lãi suất bình quân 1 điểm phần trăm/năm, nhà băng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.
Sacombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Ngân hàng thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.
Ngoài ra, nhà băng này đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn ưu đãi được áp dụng từ nay đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Sắp tới, Sacombank tiếp tục đưa ra các gói ưu đãi khác để tăng cường hơn nữa giải pháp thiết thực đồng hành cùng khách hàng.
Lãnh đạo Sacombank cho rằng, với tổng dư nợ của hệ thống hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong 5-6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch Ngân hàng đưa ra năm nay.
Tuy nhiên, các nhà băng cũng đồng thuận với việc giảm thêm lãi suất cho vay.
Trước đó, ngày 12/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!