Ngân hàng
Ngăn sở hữu chéo ngân hàng: Vì sao voi vẫn chui lọt lỗ kim?
T.L - 16/03/2023 11:23
Ngân hàng Nhà nước dự kiến ban hành các quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn sở hữu chéo, rót vốn sân sau. Mặc dù vậy, việc ngăn chặn sở hữu chéo ngân hàng rất khó khăn.

Trong Dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra lấy ý kiến, rất nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhắm  siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo đó, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10%, tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25%.

Dự thảo cũng rút tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ ngân hàng của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3%.  Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, các quy định trên là quá chặt và có thể làm ảnh hưởng đến dòng chảy vốn đến nền kinh tế.  Tuy vậy, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đề xuất giảm giới hạn cho vay là nhằm tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân. 

Mặc dù quy định về sở hữu chéo và cấp tín dụng sân sau ngày càng thắt chặt  song việc ngăn cổ đông lớn lũng đoạn ngân hàng không đơn giản nếu cổ đông lớn cố tình che giấu người liên quan.

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội cuối năm 2022 (ngay sau khi SCB bị đưa vào kiểm soát đặc biệt), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con, song các tập đoàn lách quy định bằng việc đẻ ra hàng trăm công ty con để vay tiền.

“Nói cách khác, luật chúng ta đã có, song chưa làm được nhiệm vụ trinh sát, chưa nói đến “đánh trận”. Vì vậy, vấn đề an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống phải là trọng tâm xử lý của điện tử và phải tập trung nguồn lực thật sự không chỉ năm 2023, mà còn nhiều năm tới, vì xử lý sở hữu chéo không thể hoàn thành trong 1-2 năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, sở hữu chéo là tồn tại lâu đời của  hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng là cội nguồn của mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở nước ta.

Phát hiện sở hữu chéo không hề đơn giản. Có hiện tượng sở hữu chéo thanh tra ngân hàng có thể nhìn thấy, song cũng có những biểu hiện thì chỉ khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong thanh tra, giám sát ngân hàng, song dường như chưa thể xoay chuyển được tình thế để đáp ứng được một hệ thống ngân hàng lành mạnh, hướng được tới các mục tiêu lớn trong tương lai, như công nghiệp hóa đất nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Ngân hàng Nhà nước, mà cả bộ máy Chính phủ, Quốc hội phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Chỉ khi giữ được an ninh tiền tệ, thì mới giữ được niềm tin của dân chúng, giúp cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Tin liên quan
Tin khác