Tăng trưởng hậu đại dịch
Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong quý I/2022, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng lên 14,7% so với quý I/2021. Dù con số này dựa trên mức nền thấp của năm trước, nhưng vẫn là mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh hưởng của đại dịch 2 năm qua khiến tăng trưởng doanh thu phí của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chỉ ở mức một con số, tăng trưởng doanh thu phí toàn thị trường 2 năm qua chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ.
Đại dịch và các đợt giãn cách xã hội một mặt đã kéo giảm nhu cầu đối với bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng không hoàn toàn chỉ tác động tiêu cực. Chi phí bồi thường giảm thấp, đặc biệt ở nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khoẻ đã kéo tỷ lệ chi phí kết hợp giảm sâu, cũng như cải thiện biên lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp.
Theo ông Trần Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm BIDV, tỷ lệ chi phí kết hợp chỉ 90,27% trong năm 2021 là một mức ngoài mong đợi của các cổ đông lớn, đồng thời là động lực đưa con số lợi nhuận công ty bảo hiểm này lên mức tốt nhất trong 16 năm. Tuy nhiên, ông Hoàng nhận định, kết quả năm 2021 là áp lực lớn cho năm 2022.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho rằng, lợi thế tỷ lệ chi phí kết hợp thấp như năm 2021 sẽ khó duy trì được trong năm nay. Cùng với yếu tố tích cực từ việc cải thiện doanh thu, việc gia tăng chi phí lại là áp lực với nhóm bảo hiểm.
Con số cập nhật từ Hiệp hội Bảo hiểm cho thấy, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc trong quý đầu năm vẫn đang khá thấp (24,9%), thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2021 (30,1%). Dù vậy, đã có vài doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì yếu tố trên.
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), quy mô doanh thu mở rộng nhanh, chi phí bồi thường tăng hơn 110 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến lãi gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI trong quý đầu năm 2022 chỉ đạt 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thu về 163 tỷ đồng. Doanh nghiệp này do vậy báo lãi trước thuế chỉ bằng 55% cùng kỳ.
Tương tự, Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam báo lãi giảm 30% cũng do gia tăng chi phí bồi thường.
Thống kê kết quả kinh doanh của 11 doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn trong quý I/2022 cho thấy, xu hướng chung của doanh thu nhóm này là tăng trưởng, nhưng lợi nhuận có sự phân hóa. Doanh thu phí bảo hiểm của 11 doanh nghiệp trên sàn tăng 14%, nhưng lợi nhuận trước thuế của nhóm này chỉ tăng 11% so với cùng kỳ.
Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng là Bảo hiểm Hàng không, tăng trưởng doanh thu đạt 68%. Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng ghi nhận mức tăng trưởng 32% và vươn lên vị trí số 1 thị phần trong nhóm bảo hiểm phi nhân thọ với doanh thu phí bảo hiểm xấp xỉ 3.910 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Ngoài PVI, một số doanh nghiệp đạt mức tăng hai con số như MIG (34%), BIC (21%)…
Cùng với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư trong bối cảnh mới cũng được dự báo có nhiều thay đổi. Khoảng thời gian đại dịch tác động đến toàn thế giới gắn với giai đoạn “tiền rẻ” cùng mặt bằng lãi suất thấp đã thu hẹp đáng kể thu nhập lãi từ tiền gửi - khoản đầu tư chiếm tỷ lệ lớn trong danh mục của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lãi lớn nhờ các khoản đầu tư cổ phiếu. Đến nay, áp lực lạm phát tại nhiều nền kinh tế tăng nhanh và mạnh hơn, buộc nhiều ngân hàng trung ương phải hành động, phần lớn thông qua tăng lãi suất và thu hẹp quy mô bảng cân đối. Đây cũng là bối cảnh mới mà các doanh nghiệp bảo hiểm phải thích ứng và xoay chuyển trong quyết định phân bổ danh mục đầu tư.
Nới room ngoại và kỳ vọng từ Luật mới
Bên cạnh những thay đổi từ thị trường, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào ngày 16/6 tới cũng được kỳ vọng mang đến làn gió mới.
So với bản dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), một nội dung được bổ sung là quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Điều 67 thuộc Chương III quy định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.
Trước đây, bản thân các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm cũng không nắm được tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Thông tin về điều kiện tiếp cận thị trường trong 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm lĩnh vực bảo hiểm, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hồi cuối tháng 8/2021 đã “mở toang” giới hạn room ngoại cho ngành kinh doanh này.
Tuy vậy, điển hình tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của Bảo hiểm Bảo Minh tổ chức hồi tháng 4/2022, lãnh đạo Bảo Minh cho biết công ty vẫn chưa nhận được trả lời hướng dẫn của cơ quan chức năng. Chủ trương nới room ngoại và xa hơn là hỗ trợ cho câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại công ty bảo hiểm này đã có từ vài năm nay nhưng hiện vẫn chưa triển khai.
Với quy định tại dự thảo, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được “luật hoá”, tương tự quy định về “room ngoại” được nêu rõ tại Luật Chứng khoán năm 2019. Nới room ngoại được kỳ vọng sẽ giúp tăng sức hút dòng tiền của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng thời, là làn gió mới thúc đẩy câu chuyện thoái vốn nhà nước tại một số công ty.