Doanh nghiệp
Ngành dịch vụ logistics lo khó trong năm 2023
Thế Hoàng - 20/12/2022 16:06
Thương mại toàn cầu tăng chậm lại, xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, lạm phát tăng tại nhiều nền kinh tế lớn… là những chỉ dấu khiến ngành dịch vụ logistics đối diện nhiều thách thức trong năm 2023.

Thương mại phát triển kéo logistics tăng tốc

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng hai con số trong xuất nhập khẩu và thương mại điện tử. Đây là “đòn bẩy” để ngành dịch vụ logistics tăng tốc.

Bảng xếp hạng của Agility 2022 đánh giá, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tại Hội nghị thường niên 2022 Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) diễn ra cuối tuần qua, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đã vượt 700 tỷ USD vào giữa tháng 12, xuất siêu hơn 10 tỷ USD. Con số này cũng ghi nhận sự bận rộn của dịch vụ logistics trong việc phục vụ luân chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.

Sự sôi động của hoạt động lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đã thể hiện ở kết quả kinh doanh rất tích cực của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành logsitics. Các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn sau đại dịch để đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 12 - 15%.

Theo khảo sát của Vietnam Report, 68,4% doanh nghiệp logsitics cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đến 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể. Còn theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, có 64,7% doanh nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch.

Xuất nhập khẩu tăng cao, sự bùng nổ về thương mại điện tử, Việt Nam tham gia 15 FTA với 60 nền kinh tế lớn… là cú hích để các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng như hạ tầng, kho bãi… Số liệu của VLA cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại vẫn đang nắm giữ “miếng bánh” thị phần lớn trong mảng cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam. Vẫn còn tới 89% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, số còn lại là công ty liên doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Năm 2023 sẽ khó khăn hơn

Từ giữa năm 2022, ngành vận tải biển “đảo chiều” mạnh, giá cước vận chuyển giảm sâu trở về thời điểm trước đại dịch, từ thiếu vỏ rỗng container để chở hàng, thì cả thế giới dư thừa hơn 6 triệu TEU. Điều đó báo hiệu một năm 2023 khó khăn cho ngành dịch vụ logistics

Đại diện VLA cho biết, tháng 11/2022, Hiệp hội có báo cáo gửi Chính phủ, trong đó nêu chi tiết việc các ngành hàng xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày, nội thất… đang ở tình huống tương đối nghiêm trọng về sụt giảm đơn hàng trong năm 2023. Tình hình chung khá u ám và đến thời điểm này chưa có sự cải thiện.

Đơn hàng của các nhà xuất khẩu giảm khiến doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics rất lo lắng. Đặc biệt, trước xu thế đánh thuế bảo vệ môi trường (thuế carbon) của một số thị trường, tới đây là EU, đại diện VLA lưu ý, các doanh nghiệp logistics phải nắm bắt để kịp thời nâng cấp, cập nhật, như các doanh nghiệp giao nhận chuyển sang sử dụng xe điện, các trung tâm logistics chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, doanh nghiệp sử dụng bao bì tái chế... 

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch VLA, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) thông tin, thương mại 2 chiều Việt Nam - Ấn Độ năm 2021 đạt trên 7 tỷ USD, nhưng mới chiếm chưa tới 1% trong tổng quy mô xuất khẩu 750 tỷ USD/năm của Ấn Độ. Khi xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh hơn, chỉ cần doanh nghiệp logistics khai thác được một phần lưu chuyển hàng hóa giữa 2 quốc gia, thì đã là rất đáng kể. VIMC đã phát triển đội tàu hàng đi một số bang của Ấn Độ để đón đầu dư địa này.

“Cước vận tải container giảm, song các yếu tố bất ổn đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu (dịch bệnh, xung đột...). Bên cạnh đó, xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại là trào lưu tất yếu, sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với tăng thêm chi phí cho hoạt động thương mại và logistics”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Tin liên quan
Tin khác