Nguồn đủ, chất tốt
Samsung Display - thành viên của Tập đoàn Samsung, nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam mới đây đã gửi thư tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC), Công ty Điện lực Bắc Ninh cám ơn về nỗ lực cấp điện tại khu vực Bắc Ninh.
Ông Kweon Young Chan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam cho biết, trong quá trình đầu tư sản xuất của Tổng công ty Samsung Display, doanh nghiệp đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình trong việc cấp điện đảm bảo đúng tiến độ, đủ công suất từ Tổng công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Bắc Ninh.
Việc cấp điện đúng tiến độ, đủ công suất từ EVN giúp các nhà máy của Samsung hoạt động hiệu quả. Ảnh: Đức Thanh |
Cụ thể lần này là việc đóng điện thành công trạm 110 kV Yên Phong 5 sớm hơn so với tiến độ đề ra 2 ngày, đảm bảo cung cấp điện cho Công ty TNHH Samsung Display theo công suất đăng ký sử dụng năm 2017.
Trên tổng thể, đầu tư của Samsung vào Việt Nam từ năm 2008 tới nay đã lên tới con số khoảng 17,4 tỷ USD và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam hiện nay. Từ dự án nhà máy sản xuất thiết bị di động 670 triệu USD đầu tiên ở Bắc Ninh, chính thức đi vào hoạt động vào năm 2009, cho đến nay, Samsung đã có 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (vốn đầu tư 2,5 tỷ USD), Thái Nguyên (5 tỷ USD) và TP.HCM (2 tỷ USD). Tại các khu tổ hợp này, có Samsung Display (tại Bắc Ninh), vốn đầu tư nếu tính cả khoản vốn mới tăng thêm đã lên tới 6,5 tỷ USD; Samsung Electro-Mechanics (Thái Nguyên) vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Samsung SDI (cũng ở Bắc Ninh) với trên 100 triệu USD vốn đầu tư.
Để thu hút dòng vốn đầu tư này, bên cạnh những ưu đãi về chính sách như thuế, đất đai, câu chuyện đảm bảo nguồn điện cho hoạt động của doanh nghiệp cũng đóng góp không hề nhỏ.
Với dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, Tổ hợp Samsung đòi hỏi nguồn điện chất lượng cao và ổn định, sản lượng điện lớn. Do đó, yêu cầu cấp điện cho Samsung được đặt ra trên cả hai mặt sản lượng và chất lượng.
Số liệu từ EVN cũng cho hay, ngành điện đã có tổng cộng 18 công trình các cấp điện áp để cung cấp điện cho các cơ sở sản xuất của Samsung tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của các công trình này lên tới hơn 3.500 tỷ đồng.
Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc EVN NPC cho hay, các công trình điện phục vụ Samsung được triển khai thuận lợi là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của EVN, EVN NPC, các địa phương có dự án, cũng như những hỗ trợ đáng kể từ phía Chính phủ và các bộ, ngành trong xử lý các thủ tục liên quan, như phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, giải phóng mặt bằng nhanh gọn, dồn lực thi công tốc độ. “Thậm chí, có những giai đoạn, để đẩy nhanh tiến độ hàng loạt công trình điện tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên với mục tiêu cấp điện kịp thời theo yêu cầu thời gian mà nhà đầu tư đưa ra, EVN NPC đã quyết định vay vốn tín dụng thương mại, thay vì ngồi chờ được cấp vốn theo kế hoạch rồi mới thi công”, ông Tuấn cho hay.
Tin cậy trong cung ứng điện
Việc Samsung được hưởng lợi từ cấp điện sớm, đủ theo yêu cầu chỉ là biểu hiện cụ thể của việc nâng chỉ tiêu độ tin cậy trong cung ứng điện của EVN đã được triển khai nhiều năm qua và hiện đang được tập trung mạnh.
Nếu như năm 2016, chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối (SAIDI) là 1.655 phút; chỉ số về số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối (SAIFI) là 12,31 lần và chỉ số về số lần mất điện thoáng qua trung bình của lưới điện phân phối (MAIFI) là 2,58 lần thì mục tiêu được đặt ra cho năm 2017 tương ứng là 1.183 phút - 10,7 lần - 2,4 lần.
Ở góc độ Chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam cũng đã có những tiến bộ vượt bậc trong các lần đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Doing Business công bố hàng năm. Cụ thể, Chỉ số tiếp cận điện năng được công bố năm 2014 của Việt Nam là 130 với việc khách hàng muốn đấu nối lưới điện trung áp cần 6 thủ tục, 115 ngày và chi phí so với thu nhập GDP bình quân là 1,726% thu nhập trung bình đầu người. Tuy nhiên, tới năm 2015, Chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đã đứng thứ 101, tăng 29 bậc và năm 2016 đã về thứ 96, tăng tiếp 5 bậc. Điều này cho thấy những nỗ lực vượt bậc của ngành điện.
Quay trở lại với trường hợp Trạm biến áp 110 kV Yên Phong 5 cấp điện cho Samsung Display nói trên. Được xây dựng theo mô hình vận hành theo chế độ không người trực, các máy cắt, dao cách ly có thể điều khiển thao tác từ xa, toàn bộ Trạm được giám sát thông qua hệ thống camera điều khiển. Việc giám sát, ghi hình, quản lý các camera, truy cập dữ liệu từ xa, điều khiển camera quay quét… được thực hiện thông qua phần mềm quản lý chuyên dụng.
Với nhiều tính năng, ưu điểm hơn hẳn so với các trạm biến áp theo mô hình truyền thống, đáp ứng được yêu cầu tối ưu hóa chi phí cũng như giảm được số lượng cán bộ nhân viên trực vận hành tại trạm điện, đây cũng là bước tiến mới để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh, vừa góp phần nâng cao chất lượng trong cung ứng điện đồng thời giảm chi phí sản xuất để không gia tăng thêm áp lực lên giá điện.