Du khách quốc tế trải nghiệm du thuyền trên vịnh Lan Hạ |
“Trái ngọt” từ quảng bá và đường bay thẳng
Theo Tổng cục Du lịch, tháng 10/2022, cả nước đón khoảng 485.000 lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng trước, nhưng tính chúng, hết 10 tháng đầu năm, ngành kinh tế xanh mới chỉ đón được 2,3 triệu du khách quốc tế, chưa bằng 50% mục tiêu đề ra của năm 2022.
Trong số khách nước ngoài, có 70% đến từ thị trường châu Á, trong đó, Hàn Quốc đóng góp hơn 37%, Đông Nam Á đóng góp gần 35%, khách châu Âu đạt khoảng 13,7%.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam cần quảng bá, xúc tiến đến các thị trường quốc tế mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Đồng thời cần tìm nguồn khách ở các thị trường mới cũng như mở thêm các đường bay thẳng.
- Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Thực tế đã chứng minh, nhờ có đường bay thẳng và quảng bá xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm nên Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian gần đây liên tục đón các chuyến bay từ châu Âu và các nước Trung Á. Chỉ tính riêng khách nước ngoài, 10 tháng đầu năm, tỉnh Kiên Giang ước đón 156.580 lượt khách, đạt 78,3% kế hoạch; tổng doanh thu từ du lịch đạt 8.628 tỷ đồng, tăng 252,6% so cùng kỳ, vượt 11,4% kế hoạch.
Cũng nhờ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và mở đường bay thẳng đến Ấn Độ, nên tháng 10/2022, Việt Nam đón 20.681 lượt khách từ Ấn Độ, tăng 38% so với tháng trước.
Kỳ vọng những tháng cuối năm, dòng khách trú đông quay trở lại và thị trường khách quốc tế sẽ “ấm lên”, tỉnh Quảng Ninh đã và sẽ triển khai quảng bá và xúc tiến du lịch theo các nội dung đã được thống nhất với thành viên của Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á, gồm 10 tỉnh thành viên thuộc 10 quốc gia trong khu vực Đông Á, gồm: Cát Lâm (Trung Quốc), Cebu (Philippines), Gangwon (Hàn Quốc), Luang Prabang (Lào), Quảng Ninh (Việt Nam), Siem Riep (Campuchia), Sarawak (Malaysia), Tottori (Nhật Bản), Tuv (Mông Cổ), Yogyakarta (Indonesia) trên cơ sở thỏa thuận đã được ký kết giữa các thành viên. Đồng thời, công tác quảng bá ra thị trường nước ngoài của Quảng Ninh sẽ gắn với Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race; tổ chức chương trình làm việc, xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh tại nước ngoài…
Trong khi đó, từ ngày 7 - 13/11, Sở Du lịch Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Vietnam Airlines tổ chức đón đoàn famtrip gồm 12 thành viên của 12 hãng lữ hành đến từ thị trường Australia.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, hoạt động đón đoàn famtrip đến từ Australia không chỉ nhằm giới thiệu điểm đến, những sản phẩm mới của du lịch Hà Nội đến các hãng lữ hành, mà còn là hoạt động xúc tiến, quảng bá tại chỗ. Trong năm 2023, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đón các đoàn famtrip, presstrip đến từ các thị trường quốc tế tiềm năng khác. Đồng thời, Hà Nội đẩy mạnh quảng bá du lịch trên kênh truyền hình CNN.
Đổi mới phương thức xúc tiến
Để quảng bá du lịch TP.HCM với những biểu tượng văn hóa du lịch và cầu Thủ Thiêm 2 vừa được khánh thành, hấp dẫn du khách, từ ngày 9 - 11/12, Sở Du lịch TP.HCM sẽ tổ chức Giải Marathon quốc tế TP.HCM Techcombank mùa thứ 5. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động chào đón năm mới như: Tuần lễ Du lịch, Tôn vinh Di tích Cột cờ Thủ Ngữ, Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 2 - Hò dô 2022, Ngày hội Khinh Khí cầu TP.HCM lần 2.
Đặc biệt, tại Hội chợ Du lịch thế giới - World Travel Market 2022 được tổ chức ở London, một trong những sự kiện lớn nhất của ngành du lịch thế giới thu hút khoảng 5.000 doanh nghiệp du lịch từ 182 quốc gia, diễn ra từ ngày 7-9/11/2022, đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá, giao lưu, gặp gỡ, họp báo giới thiệu du lịch. Nổi bật là chương trình giới thiệu Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh"; quảng bá các dòng sản phẩm chủ đạo như du lịch biển, du lịch tự nhiên, du lịch văn hóa, du lịch thành phố cùng nhiều sản phẩm bổ trợ…
Dữ liệu từ Google Destination Insights cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam trong tháng 10/2022 tiếp tục tăng 20% so với tháng 9/2022 và cao gấp 11 lần so với tháng 3/2022. Danh sách 10 quốc gia có du khách tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam gồm: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Malaysia, Thái Lan và CHLB Đức.
Mức độ quan tâm đến du lịch Việt Nam không ngừng tăng, vì thế, đây là thời điểm ngành kinh tế xanh đẩy mạnh và đổi mới hình thức quảng bá, xúc tiến đến các thị trường quốc tế. Như gợi mở của ông Yoshida Kenji, Trưởng Đại diện Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO): “Để thu hút du khách Nhật Bản, ngành du lịch Việt Nam cần xúc tiến, quảng bá phải với những hình ảnh, thông điệp rõ ràng hơn nữa để thể hiện rõ những điểm hấp dẫn của con người và đất nước Việt Nam. Một hình thức rất hiệu quả có thể áp dụng là thông qua những KOLs (người nổi tiếng có ảnh hưởng xã hội) hay thông qua những đại sứ du lịch,…”.