TIN LIÊN QUAN | |
Sập giàn giáo tại dự án Formosa khiến 2 công nhân tử vong | |
Thanh Hóa: Khối đá đè bẹp xe xúc, lái xe tử vong tại chỗ | |
Mở rộng Chương trình Việc làm tốt hơn ra phía Bắc |
Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/3/2015 tại TP. Vũng Tàu. Cho dù Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động được ghi nhận đã góp phần làm giảm 3% tai nạn lao động (TNLĐ) chết người ở những khu vực có nguy cơ cao, song số vụ TNLĐ vẫn chưa thuyên giảm.
Công tác cứu hộ tại một vụ tai nạn lao động |
Theo thống kê mới nhất của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2014, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 6.709 vụ TNLĐ, làm 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng. So với năm 2013, tăng thêm 14 vụ kèm theo có thêm 3 người thiệt mạng.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, nguyên nhân xảy ra TNLĐ do người sử dụng lao động chiếm tới 72,7%; lỗi do người lao động chỉ chiếm khoảng 13,4%; còn lại là do khách quan.
Đi sâu phân tích nguyên nhân, ông Thắng cho biết thêm, tỷ lệ người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 26,7%; tỷ lệ người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn cho người lao động chiếm 11,4%; do tổ chức lao động và điều kiện lao động kém chiếm 12,3%...
Năm 2014, thiệt hại vật chất do TNLĐ (chi phí bồi thường cho người lao động nói chung) là 90,78 tỷ đồng và thiệt hại về tài sản là 7,76 tỷ đồng.
Các lĩnh vực, ngành nghề xảy ra nhiều TNLĐ gồm khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, cơ khí và chế tạo.
Trong số những vụ TNLĐ gây thiệt hại nghiêm trọng, chỉ có 2 vụ đã bị khởi tố.
Thứ nhất là vụ tai nạn do cháy xảy ra ngày 15/1/2014 làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng tại Công ty TNHH một thành viên Than Đồng Vông (huyện Uông Bí, Quảng Ninh) được Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về an toàn lao động”. Hiện, vụ án này đang được điều tra xem xét trách nhiệm và cá nhân liên quan.
Thứ hai là vụ tai nạn xảy ra ngày 17/1/2014 làm 3 người chết tại Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ và Thương mại Đặng Huỳnh (quận 12, TP.HCM). Cơ quan điều tra TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người”. Quyết định số 1003-50 ngày 12/11/2014 đã khởi tố bị can Huỳnh Văn Hải (Giám đốc Công ty) về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại Điều 227, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân có khá ít vụ TNLĐ được đưa ra truy tố, đại diện Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, khi thấy có dấu hiệu hình sự, Thanh tra Bộ chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Vụ TNLĐ phải hội tụ đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì mới bị khởi tố.
Số vụ TNLĐ cũng được nhận định sẽ còn gia tăng trong bối cảnh Việt Nam đang có chuyển dịch lớn về cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và xây dựng.
Trong khi đó, Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành về vệ sinh an toàn lao động mới chỉ điều chỉnh khu vực lao động có quan hệ lao động. Số lao động tự do (không có quan hệ lao động) hiện vào khoảng 35 triệu người chưa được xét tới.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, để giải quyết thực tế này, Dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động (sẽ được trình Quốc hội vào Kỳ họp tới) có một số điểm mới như mở rộng đối tượng điều chỉnh (là nhóm người lao động không có quan hệ lao động); quy trách nhiệm rõ hơn cho người lao động, người sử dụng lao động gắn với trách nhiệm của công đoàn…
“Dự thảo này sẽ giúp số liệu thống kê về TNLĐ được chính xác hơn để việc thiết kế chính sách và hỗ trợ cho người lao động được đảm bảo công bằng”, ông Diệp kỳ vọng.
Giấu nhẹm tai nạn lao động, doanh nghiệp vô can (Baodautu.vn) Hơn 2/3 trong tổng số 562 vụ tai nạn lao động chết người năm 2013 bị giấu nhẹm, trong khi chỉ có vài vụ bị xử lý hình sự, khiến doanh nghiệp nhờn pháp luật. |
Hải Hà