Đầu tư và cuộc sống
Ngành Tài nguyên - Môi trường Nam Định: Sẵn sàng cùng tỉnh đón sóng đầu tư
Quý Hưng - 25/06/2023 09:31
Kết quả hoạt động nổi bật của Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định trong các năm 2021, 2022 và 6 tháng năm 2023 là hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định nhằm “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành kiểm tra đê kè biển và công tác phòng chống thiên tai tại thị trấn Thịnh Long huyện Hải Hậu

Quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện

Thực hiện Kế hoạch 79/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 2475/KH - STNMT ngày 31/8/2021 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xúc tiến và thu hút đầu tư của Sở giai đoạn 2021-2025.

Để cụ thể hóa, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), rà soát, đánh giá TTHC, kế hoạch tuyên truyền cùng các giải pháp thực hiện. Đưa cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, một tiêu chí thi đua, khen thưởng.

Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021, 2022, 2023 của các huyện, thành phố. Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh (2021-2025) phù hợp với phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Công khai 100% TTHC cũng như quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh tại bộ phận một cửa của UBND cấp huyện, trên website của Sở và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Các TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là đất đai được Sở thực hiện theo đúng thời gian quy định. Phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư tiếp nhận và giải quyết 379 TTHC trong lĩnh vực đất đai. Tiếp nhận và giải quyết 331 hồ sơ trong lĩnh vực giao dịch đảm bảo và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 50 dự án...

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm phục vụ hành chính công, các sở, ngành rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả phản ánh, chỉ sau 10 ngày doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số tiếp cận đất đai năm 2021 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; chỉ số doanh nghiệp tư nhân không gặp cản trở tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh xếp thứ 6/63 và chỉ số sự thay đổi bảng giá đất phù hợp với sự thay đổi giá thị trường xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 2019-2021, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2022-2025. Tham mưu UBND tỉnh ban hành 12 quyết định, chỉ thị như Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 09/2022/QĐ-UBND về điều kiện tách thửa đất, hợp thửa và diện tích tối thiểu được phép tách thửa.

Đã thẩm định, nghiệm thu 157 sản phẩm trích đo đối với các công trình trọng điểm của tỉnh trước và đúng hạn như Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện; Khu công nghiệp Bảo Minh mở rộng; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 156 công trình, dự án với tổng diện tích 138,83 ha.Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất cho 4.982 lô đất...

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG). Vận hành cơ sở dữ liệu trên phần mềm 5 huyện Mỹ Lộc, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đối với 3 huyện còn lại. Kiểm tra, rà soát và tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất đối với các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm. Trong 70 dự án đã hoàn thiện hồ sơ, thực hiện xong 62 dự án.

Từ năm 2021, Sở thành lập Tổ công tác về kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, văn hóa công sở và đặc biệt là trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính.

Tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Quán triệt các chi nhánh văn phòng đăng ký đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC. 

Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, trong công tác lập Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung nhân lực hoàn thành tốt các phần việc được giao. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các ngành có liên quan triển khai đăng ký nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025. Phối hợp với các sở, ngành và huyện, thành phố xác định nhu cầu sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 và các công trình, dự án trọng điểm để tổng hợp vào kế hoạch sử dụng đất trình Chính phủ.

Hiện, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 9 huyện và TP. Nam Định đã được phê duyệt, đảm bảo căn cứ pháp lý khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao, cho thuê đất... Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Nam Định đến năm 2030 đã hoàn thiện xong, đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

Góp phần vào sự nghiệp phát triển của địa phương

Với nỗ lực cùng những giải pháp quyết liệt, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định đã cùng các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh góp phần vào kết quả bước đầu tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được triển khai, hoàn thành như tỉnh lộ 488C, Trung tâm lễ hội khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, các dự án đường bộ ven biển cùng các tỉnh lộ 488B, 485B…

Tỉnh Nam Định đã khởi công giai đoạn II đường trục  nối vùng kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nghĩa Hưng và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển. Thực hiện cụm công trình kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ,  khởi công cầu Bến Mới...

Với TP. Nam Định, một số dự án trọng điểm được triển khai tích cực, tạo đà cho năm 2023 và những năm tới như khởi công cầu qua sông Đào, đường trục phía Nam Thành phố, cùng Đề án mở rộng địa giới Thành phố và thành lập 3 phường.

Năm 2022, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án trong nước, 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 31.187 tỷ đồng và 38 triệu USD; cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 1.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện với vốn đăng ký 9.391 tỷ đồng. Đặc biệt, đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định… với tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng.

Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực. Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nam Định xếp thứ 31/63; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 19/63; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố.

Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến môi trường đầu tư tại Nam Định. Tỉnh đã ký kết thoả thuận phát triển dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Quanta đầu tư tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị. Nam Định đang chuẩn bị cho việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, cũng như tái khởi động Dự án nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1... 

“Để tạo động lực phát triển, giai đoạn 2021-2025, Nam Ðịnh sẽ triển khai 642 dự án phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, an ninh, quốc phòng với 18.700 ha đất cần thu hồi. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng lớn nhất từ trước đến nay.

Điều đó cho thấy, giai đoạn tới, Nam Định sẽ đón thời cơ vàng trên các lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư, do đó, ngành tài nguyên - môi trường xác định nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp phát triển của địa phương.

Tin liên quan
Tin khác