Tiêu thị xi măng đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng nhiều dây chuyền vẫn tiếp tục được đầu tư |
Sụt giảm tiêu thụ
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 9/2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 7,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn so với tháng 8, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,4 triệu tấn, xuất khẩu ước đạt 2,2 triệu tấn.
Tính chung 9 tháng của năm 2022, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt gần 73 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng hơn 47 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 24,7 triệu tấn, trị giá gần 1,1 tỷ USD, giảm mạnh 25% về sản lượng và 14% so với cùng kỳ, đạt khoảng 24,7 triệu tấn.
Năm 2021, toàn ngành tiêu thụ khoảng 108,41 triệu tấn, bao gồm cả xi măng và clinker. Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt 62,71 triệu tấn. Sản lượng clinker xuất khẩu khoảng 28,89 triệu tấn và xi măng là 16,81 triệu tấn. Tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 4,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD.
Trong 9 tháng của năm 2022, tiêu thụ toàn ngành đạt 73 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, dự báo 3 tháng cuối năm xuất khẩu khó có “cửa sáng” tăng trở lại.
Báo cáo tổng quan ngành xi măng Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 57 nhà máy xi măng với 81 dây chuyền sản xuất đang hoạt động, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 107 triệu tấn/năm. Sản lượng xi măng của Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung thông tin, nhờ ứng dụng công nghệ, điều chỉnh tỷ lệ phụ gia, có thể sản xuất thêm hơn 20 triệu tấn nữa, như vậy mỗi năm có thể sản xuất khoảng 130 triệu tấn xi măng trong khi tiêu thụ nội địa 3-4 năm nay chỉ khoảng trên dưới 60 triệu tấn/năm.
Thị trường nội địa những năm gần đây chỉ hấp thụ được gần 60% sản lượng của ngành xi măng, trên 40% sản lượng còn lại đều phụ thuộc vào xuất khẩu. Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu giảm mạnh đã tác động ngay đến sản lượng của các doanh nghiệp trong ngành này.
Hiện tồn kho cả nước gần 6 triệu tấn, tương đương 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker. Bình thường, nếu tiêu thụ thuận lợi hơn, tồn kho chỉ ở mức 15-20 ngày sản xuất.
Sau năm 2021 lập kỷ lục về xuất khẩu với gần 46 triệu tấn, những tháng gần đây, xuất khẩu đã sụt giảm mạnh do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu chính clinker, thực thi chính sách Zero Covid, nên hạn chế các hoạt động giao thương. Thị trường lớn thứ 2 là Philippines cũng bị ảnh hưởng bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng Việt Nam.
Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là doanh nghiệp có thị phần chiếm 33% cũng chật vật thúc đẩy bán hàng. Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, cung cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên bán hàng rất khó khăn. Thêm nữa, chi phí sản xuất đã tăng quá cao do giá than, thạch cao, xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay tăng, làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong 3 trụ đỡ (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), thì rõ ràng thị trường nội địa đã có sự khởi sắc, do được hưởng lợi phần nào từ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và công trình dân sinh xây dựng nhiều. Dù vậy, do sản lượng toàn ngành quá lớn, nên mức tăng trưởng tiêu thụ 5% tại nội địa trong 9 tháng qua không cứu được kênh xuất khẩu sụt giảm quá mạnh, khiến tổng sản phẩm tiêu thụ toàn ngành đã giảm 10%.
Ngoài dư cung, ngành xi măng còn gặp khó khăn mang tính tự thân xuất phát từ sự mất cân đối cung cầu giữa các vùng miền. Nếu miền Bắc có 58 dây chuyền sản xuất xi măng, thì miền Trung chỉ bằng chưa đầy một nửa với 24 dây chuyền, miền Nam vỏn vẹn 5 dây chuyền. Trong khi miền Bắc dư cung lớn, miền Nam lại thiếu trầm trọng, nên hàng năm phải vận chuyển hơn 15 triệu tấn xi măng từ Bắc vào Nam. Sự mất cân đối cung - cầu cục bộ giữa các vùng miền làm tăng chi phí vận chuyển, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng trên 40% trong 9 tháng qua.
Năm 2023 còn khó khăn
Với công suất trên 107 triệu tấn, xuất khẩu đã trở thành kênh tiêu thụ lớn của ngành xi măng, nhưng hoạt động xuất khẩu ngày càng gặp nhiều rào cản do mỗi quốc gia có chính sách khác nhau. Ngoài ra còn những rào cản được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước, buộc doanh nghiệp xi măng phải vất vả hơn trong công tác tìm kiếm thị trường.
Chưa kể, thời gian qua, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành xi măng nở rộ, hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Thái Lan, Indonesia... đã gia nhập thị trường xi măng Việt Nam thông qua M&A, chẳng hạn SCCC (Thái Lan) mua lại xi măng Holcim và đổi thành Insee; SCG (Thái Lan) mua Xi măng Bửu Long và Xi măng Sông Gianh; Tập đoàn YTL (Malaysia) sở hữu Xi măng Fico (Tây Ninh), đổi tên thành Fico - YTT... Những thương hiệu xi măng nội địa về tay các ông chủ ngoại có lợi thế xuất khẩu hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Về mảng tiêu thụ nội địa, dự báo năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, lạm phát có xu hướng tăng cao.
Theo các chuyên gia trong ngành, từ nay đến hết năm 2023, xuất khẩu xi măng tiếp tục sụt giảm, bởi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của ngành xi măng vẫn duy trì chính sách Zero Covid, sẽ giảm nhập khẩu xi măng, clinker từ Việt Nam. Ở trong nước, khả năng tiêu thụ đạt 70 triệu tấn/năm sẽ chưa thể thành hiện thực. Thực tế 5 năm gần đây, tiêu thụ trong nước chỉ quanh ngưỡng 60-65 triệu tấn/năm.
Dù nguồn cung xi măng đang dư thừa, nhưng ngành này vừa đón thêm dây chuyền 4, Xi măng Long Sơn, công suất 2,5 triệu tấn/năm đi vào hoạt động và chuẩn bị thêm 1 dây chuyền mới 4,5 triệu tấn/năm của Xi măng Xuân Thành và 2,3 triệu tấn của Xi măng Long Thành.