Dây chuyền 3 Xi măng Long Sơn dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 12/2020. |
Công ty TNHH Long Sơn cho biết, dây chuyền 3 thuộc dự án xi măng Long Sơn, công suất thiết kế 2,5 triệu tấn/năm đang trong giai đoạn hoàn thiện các hạng mục xây dựng cuối cùng, nhà thầu thi công thực hiện thi công, lắp đặt các thiết bị để tháng 12/2020 sẽ đưa vào hoạt động.
Dây chuyền 3 nhà máy Xi măng Long Sơn, có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, được triển khai xây dựng từ tháng 10/2019. Dây chuyền 3 đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất của nhà máy xi măng Long Sơn trên 7 triệu tấn/năm.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung giai đoạn II Nhà máy xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa với 2 dây chuyền (dây chuyền số 3 và số 4), mỗi dây chuyền có công suất gần 2,5 triệu tấn xi măng/năm kết hợp xử lý rác thải bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm xi măng chất lượng cao, xi măng chịu mặn bền sunfat phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030. Dự kiến thời gian đưa vào vận hành dây chuyền số 3 trong năm 2020 và dây chuyền số 4 trong năm 2021.
Năm 2014, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng giai đoạn I của Nhà máy Xi măng Long Sơn với 2 dây chuyền, tương đương 5 triệu tấn xi măng/năm. 2 dây chuyền này được đưa vào hoạt động trong năm 2016-2017.
Khi xi măng Long Sơn hoàn thành đầu tư dây chuyền 4, tổng công suất sản xuất xi măng của nhà sản xuất này sẽ vượt mốc 10 triệu tấn, trở thành doanh nghiệp có năng lực cung ứng lớn trong ngành xi măng. Còn riêng tại Thanh Hóa, với mỗi dây chuyền mới được đưa vào hoạt động sẽ khiến việc cạnh tranh bán hàng giữa các DN trở nên gay gắt hơn. Ước tính, quy mô công suất ngành xi măng tại Thanh Hóa hiện đã vượt 20 triệu tấn.
Cung cầu xi măng trong nước từ vài năm nay luôn trong trạng thái dư thừa, bởi năng lực sản xuất đã vượt 100 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa mới hấp thụ được gần 70 triệu tấn. 3 năm trở lại đây, kênh xuất khẩu giải quyết đầu ra mỗi năm từ 32-34 triệu tấn sản phẩm, giúp ngành xi măng đỡ cảnh hàng tồn.
Năm 2020, cả nước có 86 dây chuyền sản xuất xi măng, tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn. Ước nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 69 - 70 triệu tấn, dư thừa hơn 30 triệu tấn, do vậy áp lực về tiêu thụ xi măng nội địa rất lớn, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ.