Doanh nghiệp
Ngành xi măng và những khoảng “sáng - tối”
Thế Hải - 22/07/2019 06:00
Nếu nhìn về mất cân đối cung cầu và sự manh mún của thị trường dẫn đến mặt bằng giá xi măng tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới thì ngành xi măng Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn.
Từ góc nhìn của mình, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Xi măng Fico-YTL cho rằng, Xuất khẩu clinker và xi măng có thể là giải pháp ngắn hạn nhưng căn cơ nhất vẫn phải cân đối cung cầu nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ngành xi măng Việt Nam đã lọt Top 5 thế giới về năng lực sản xuất, với công suất 120 triệu tấn/năm, đồng thời  vừa trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Dù vậy, những tồn tại của ngành cũng không ít, khi phát triển manh mún, có quá nhiều nhà sản xuất quy mô nhỏ, liên kết yếu…

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Xi măng Fico-YTL về những mảng “sáng – tối” của ngành xi măng.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành xi măng đang có 82 dây chuyền, công suất thiết kế 100 triệu tấn/năm, nhưng hoàn toàn có thể sản xuất 120 triệu tấn/năm nhờ điều chỉnh tỷ lệ phụ gia. Ông đánh giá thế nào về năng lực sản xuất, những tồn tại của ngành xi măng?

Theo số liệu của tạp chí Global Cement, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Trong vòng mười năm kể từ 2009, năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam tăng gần 3 lần từ 45 triệu tấn lên 120 triệu tấn, đưa Việt Nam từ 1 nước phải nhập xi măng/clinker trở thành nước xuất khẩu xi măng nhiều nhất thế giới với hơn 30 triệu tấn vào năm 2018, gấp đôi Thái Lan là nước đứng thứ 2.  

Theo cá nhân tôi, có 2 vấn đề cốt lõi cho sự phát triển bền vững của ngành xi măng Việt Nam.

Thứ nhất, khi hoạch định chiến lược phát triển ngành xi măng, cần phải làm rõ mục tiêu dài hạn để có cơ sở cân đối cung cầu.

Ngành xi măng do đặc thù công nghệ thâm dụng tài nguyên (đá vôi, than, điện….) và tác động đáng kể đến môi trường. Một nhà máy quy mô trung bình 2 triệu tấn xi măng/năm sử dụng khoảng 2 triệu tấn đá vôi, 200 nghìn tấn than, tiêu thụ khoảng 170 triệu kWh điện, thải ra khoảng 2,2 triệu tấn CO2 từ việc đốt nhiên liệu nung và từ các phản ứng hóa học khi nung.

Dự báo trong 10 năm tới, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 300 tỷ kWh công suất điện và nhập khẩu 1 tỷ tấn than cho nhu cầu phát điện và sản xuất. Trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng về an ninh năng lượng, và chủ trương phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường của Chính phủ, liệu chăng chúng ta nên xác định mục tiêu dài hạn của ngành xi măng là tập trung phục vụ thị trường nội địa nhằm hoạch định cung cầu phù hợp.

Do sự đầu tư ồ ạt trong 10 năm qua, ngành xi măng Việt Nam mất cân đối cung cầu, công suất thiết kế gần gấp đôi nhu cầu nội địa, dẫn đến việc tăng xuất khẩu đột biến. Xuất khẩu clinker và xi măng có thể là giải pháp ngắn hạn nhưng căn cơ nhất vẫn phải cân đối cung cầu nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ngoài việc cân đối cung cầu trên quy mô toàn quốc, chúng ta cũng cần lưu ý cân đối cung cầu trên cấp độ 3 miền Bắc-Trung- Nam để hạn chế tác động môi trường từ việc vận chuyển xi măng và clinker. Trong khi xử lý tình trạng thừa cung nghiêm trọng tại phía Bắc thì cần khuyến khích các doanh nghiệp xi măng phía Nam đầu tư vào công suất nung clinker để giảm thiểu việc vận chuyển clinker từ Bắc vào Nam.

Vấn đề lớn thứ hai, theo tôi, là phải xử lý tình trạng manh mún của thị trường xi măng trong nước.

Việt Nam có công suất xi măng khoảng 120 triệu tấn với hơn 60 nhà máy sản xuất trong khi Thái Lan có công suất xi măng gần 60 triệu tấn với 5 nhà sản xuất. Hai phần ba số dây chuyền sản xuất xi măng ở Việt Nam có công suất 1 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 20% sản lượng toàn ngành. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, quy mô tối thiểu để đảm bảo tính cạnh tranh của một nhà máy xi măng phải là 2 triệu tấn/năm và quy mô của một doanh nghiệp xi măng ít nhất phải khoảng 5-10 triệu tấn/năm mới đảm bảo hiệu quả dài hạn thông qua tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư vào công nghệ mới ..

Hiện trạng manh mún của thị trường xi măng do sự đầu tư ồ ạt dàn trải cũng dẫn đến nhiều hệ lụy như năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư của ngành thấp, và hạ thấp các tiêu chuẩn hoạt động bao gồm cả công tác bảo vệ môi trường. Năng suất lao động (tấn xi măng/nhân viên) của khối liên doanh theo ước tính cao hơn khối doanh nghiệp Việt Nam bình quân 20%-30%. 

Với những tồn tại đó,  cần hoạch định và thực thi một chính sách quyết liệt, nhất quán để tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng quy mô của các doanh nghiệp xi măng có năng lực, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xi măng Việt Nam.   

Ngành xi măng đã chứng kiến các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp trong 5-7 năm qua, nhưng các thương vụ lớn đều do các Tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Với thâm niên làm quản lý doanh nghiệp xi măng nhiều năm, theo ông, sự hấp dẫn của ngành sản xuất xi măng nằm ở những yếu tố nào?

Nếu nhìn về mất cân đối cung cầu và sự manh mún của thị trường dẫn đến mặt bằng giá xi măng tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất thế giới thì ngành xi măng Việt Nam chưa thật sự hấp dẫn. Quan sát thì chúng ta thấy các doanh nghiệp nước ngoài mới bước vào thị trường xi măng Việt Nam trong vòng 5 năm nay đến từ các nước ASEAN chứ không phải các tập đoàn đa quốc gia. Các đơn vị này chấp nhận rủi ro nhiều hơn và quyết định đầu tư vì 2 lý do chính.

Thứ nhất, nhu cầu của doanh nghiệp họ đầu tư ra nước ngoài vì triển vọng kinh tế nội địa hạn chế (Thái Lan) hoặc cách đây vài năm là chiến lược mua lại doanh nghiệp xi măng Việt Nam để xuất khẩu ngược về thị trường trong nước đang bùng nổ nhu cầu (Indonesia).

Thứ hai, tiềm năng dài hạn của ngành xi măng Việt Nam cụ thể là tăng trưởng nhu cầu xi măng do triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và với niềm hy vọng là từng bước ngành xi măng sẽ từng bước lành mạnh hóa thông qua cân đối cung cầu và cơ hội tham gia vào việc sát nhập của ngành.

Ông đánh giá thế nào về vai trò và cơ hội của ngành xi măng khi tham gia giải quyết vấn nạn chất thải?

Tôi phải nói luôn, Việt Nam hiện chưa tận dụng năng lực đồng xử lý rất ưu việt của ngành xi măng để góp phần giải quyết vấn nạn chất thải.

Với những tồn tại hiện hữu của ngành xi măng, cần hoạch định và thực thi một chính sách quyết liệt, nhất quán để tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc tăng quy mô của các doanh nghiệp xi măng có năng lực, gắn với cam kết bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xi măng Việt Nam

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Điều hành Xi măng Fico-YTL 

“Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng” là việc kết hợp xử lý các loại chất thải trong dây chuyền sản xuất xi măng, mà tâm điểm là lò nung clinker (lò quay). Với nhiệt độ lên đến 1.800oC, môi trường kiềm cao và kích thước lò lớn, lò nung clinker đảm bảo khả năng xử lý an toàn rất nhiều loại chất thải, mà đặc biệt là chất thải nguy hại, với công suất lớn.

Xuất phát từ châu Âu, công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng đã được nghiên cứu, triển khai ứng dụng từ những năm 1970 trên phạm vi toàn thế giới. Cho đến nay, đã có hơn 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ứng dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc ứng dụng công nghệ này hiện còn rất hạn chế so với năng lực của ngành xi măng.

Năm 2018, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã tài trợ Chính phủ Việt Nam triển khai tiểu dự án rà soát và đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ đồng xử lý chất thải của các nhà máy xi măng ở Việt Nam

Hy vọng rằng, Chính phủ Việt Nam và các địa phương sớm có cơ chế ưu tiên đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xi măng vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Được biết, tháng 12/2018, Tập đoàn YTL của Malaysia đã trở thành cổ đông chiến lược của TAFiCO để cho ra đời Fico-YTL. Kể từ đó, Fico-YTL đã thay đổi ra sao?

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, thương hiệu Xi măng FiCO của TAFiCO đã trở thành một trong ba thương hiệu xi măng hàng đầu ở thị trường phía Nam. Tuy nhiên, bước đột phá mới  đối với chúng tôi là việc Tập đoàn YTL của Malaysia trở thành cổ đông chiến lược vào tháng 12/2018. Có thể nói việc Tập đoàn YTL làm cổ đông chiến lược là lựa chọn đúng đắn đối với chúng tôi, vì hai điểm khác biệt của tập đoàn YTL mang lại cho Fico-YTL.

Thứ nhất, Tập đoàn này có hoạt động trải khắp chuỗi giá trị của ngành xây dựng, với vai trò là chủ đầu tư, xây dựng cũng như  sản xuất vật liệu xây dựng. Nhờ vậy mà Fico-YTL được thừa hưởng sự thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu khách hàng. Thứ hai, Tập đoàn YTL đánh giá cao và tin tưởng sử dụng đội ngũ nhân sự bản địa giàu năng lực, có tâm huyết, và trung thực. Đây là điểm khác biệt rất lớn so với các công ty xi măng có vốn nước ngoài tại Việt Nam, thường chỉ sử dụng nhân sự cấp quản lý là người nước ngoài.

Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi chuyển đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Fico-YTL đã có những kết quả tốt. Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh năm tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế và khấu hao (EBITDA) tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018 và đang có chiều hướng tốt hơn. Dự kiến EBITDA của năm 2019 sẽ cao hơn 20% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, sức mạnh tài chính của chúng tôi cũng được củng cố thông qua việc tăng vốn điều lệ, kiểm soát dòng tiền chặt chẽ. Với nền tảng tài chính vững mạnh, xi măng Fico-YTL sẵn sàng cho việc đầu tư mở rộng sản xuất cũng như nắm bắt các cơ hội mua bán sáp nhập.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan
Tin khác