PTF, AITS “đắt khách”
Công tác thoái vốn của VNPT trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhóm cổ phần sở hữu tại các tổ chức tài chính và khối doanh nghiệp xây lắp. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết, ngay trong tháng 1/2018, VNPT đã đấu giá theo lô 6 danh mục, trong đó có 4 danh mục đấu giá không thành công.
Trong 2 danh mục đấu giá thành công, danh mục Công ty tài chính TNHH một thành viên Bưu điện (PTF) đạt mức giá cao hơn mức định giá của VNPT. Đây là công ty tài chính thuộc 100% sở hữu của VNPT và cũng là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam được thành lập vào tháng 10/1998, vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Kết quả đấu giá cổ phần tại AITS, PTF được kỳ vọng sẽ là động lực để VNPT vượt qua khó khăn trong công tác thoái vốn. |
VNPT bán cổ phần PTF dưới phương thức bán đấu giá kế thừa công nợ, với giá khởi điểm 500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư sẽ đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên theo bước giá 1 tỷ đồng. “VNPT đang chuẩn bị hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông để chính thức ký hợp đồng bán lại PTF cho SeABank”, ông Trần Mạnh Hùng cho biết.
Ngoài ra, VNPT đã đấu giá thành công 1,32 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty cổ phần Tin học - Viễn thông Hàng không (AITS). Số cổ phần trên được tổ chức đấu giá theo lô, mỗi nhà đầu tư phải đăng ký mua toàn bộ số cổ phần chào bán. Theo kết quả đấu giá, giá đấu thành công cao nhất là 26,16 tỷ đồng/lô. Trước đó, giá khởi điểm được đưa ra là 26,148 tỷ đồng/lô.
AITS có địa chỉ tại tòa nhà Airimex (số 414 - Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông, dịch vụ thông tin. Vốn điều lệ của AITS là hơn 58 tỷ đồng.
MSB, xây lắp “ế ẩm”
Cái tên được chú ý nhất trong 4 danh mục đấu giá không thành công là lô 71 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank). Theo kế hoạch, VNPT bán đấu giá 71.577.141 cổ phần của VNPT tại Maritime Bank vào ngày 18/1/2018, với giá khởi điểm 851,7 tỷ đồng (tương đương 11.900 đồng/cổ phần).
Trước đó, từ ngày 20/12 đến 27/12/2017, VNPT đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký năng lực của nhà đầu tư tham gia đấu giá. “Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư nào đăng ký, cuộc đấu giá không diễn ra như kế hoạch”, đại diện VNPT cho biết.
Đây không phải là lần đầu VNPT phải hoãn đấu giá cổ phần Maritime Bank. Đầu tháng 3/2017, VNPT muốn đấu giá toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Maritime Bank cũng với mức giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phần, nhưng không thể tổ chức phiên đấu giá do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự. Năm 2016, VNPT đưa ra mức giá chỉ là 11.700 đồng/cổ phần, nhưng phiên đấu giá không thành công, vì chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự.
Theo ông Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền Thông), việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng như Maritime Bank có những quy định rất chặt chẽ. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo VNPT phải chủ động có giải pháp để thoái vốn theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngoài Maritime Bank, trong tháng 1/2018, VNPT đã tiến hành bán đấu giá 79,02% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam, tương ứng 14 triệu cổ phần. Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia, nên cuộc đấu giá không thể diễn ra. Các phiên đấu giá cổ phần của Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Phát triển Bưu điện Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng viễn thông Cần Thơ và Công ty cổ phần Xây lắp Bưu điện Miền Trung... đều “ế” khách.
VNPT đã nhiều lần báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về việc gặp khó khăn trong thoái vốn tại một số đơn vị, nhất là những đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp. VNPT kỳ vọng, việc thoái vốn tại AITS, PTF trong tháng 1/2018 khá thuận lợi, với mức giá cao hơn dự định, sẽ là động lực để VNPT tiếp tục thoái vốn thành công các hạng mục còn lại.