Cụ thể, Tòa án nhân dân TP.HCM (TAND) TP.HCM xét xử Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba) và 22 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.
Ngay từ sáng sớm, công tác an ninh đã được siết chặt. Tại các ngã tư xung quanh trụ sở tòa án đều có lực lượng an ninh chốt giữ. Những người tới tham dự phiên tòa đều phải xuất trình giấy tờ liên quan, thậm chí phải đăng ký trước với bộ phận văn phòng của toàn án.
An ninh được siết chắt trước phiên xét xử |
Trong sáng nay, có nhiều người đến tham dự nhưng không đăng ký trước nên đã được hướng dẫn làm thủ tục trước khi phiên tòa diễn ra.
Bên trong khuôn viên tòa, nguyên khoảng sân đã được dựng ba nhà bạt với sức chứa khoảng 2.000 người để các bị hại và lực lượng hỗ trợ phiên tòa có chỗ làm việc.
Phiên xử dự kiến kéo dài gần một tháng. Gần 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Do số bị hại rất đông nhưng trong quá trình xét xử sẽ còn có thay đổi. Ngoài ra, 100 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng được HĐXX triệu tập.
Từ sáng sớm đã có nhiều người dân là bị hại trong vụ án đã đến để tham dự phiên tòa |
Vụ án có khoảng 1 triệu bút lục hồ sơ được đựng trong 140 rương phải chuyển bằng hai xe tải. Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát dài 500 trang… Vì vậy, trước khi xét xử, tòa án có thông báo trên truyền thông nhiều kỳ liên tục để mọi người biết cách liên hệ nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 5/2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty CP địa ốc Alibaba với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong hai năm, công ty thay đổi vốn thêm hai lần lên mức 1.600 tỷ đồng. Với vai trò Chủ tịch HĐQT, Luyện tìm cách lách luật, tạo dựng lên hệ thống kinh doanh dự án bất động sản không có thật.
Vợ chồng Luyện và đồng phạm đã thành lập 22 pháp nhân, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người, chiếm đoạt số tiền 2.384 tỷ đồng.
Các Luật sư cũng có mặt từ rất sớm |
Nhà chức trách cáo buộc, Luyện dùng một phần tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn tại các tỉnh.
Sau đó, Chủ tịch Công ty CP địa ốc Alibaba chỉ đạo người thân, nhân viên đứng tên nhận chuyển nhượng đất, ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập để các công ty này vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định.
Luyện và cấp dưới dùng chiêu huy động vốn theo hình thức đa cấp, sử dụng đất nền trong dự án “ma”. Khi bán cho các nạn nhân, Công ty CP địa ốc Alibaba hứa mua lại đất nền giá cao hơn với lợi nhuận 30% chỉ sau một năm, hoặc có lãi ngay sau khi mua và tăng dần theo thời gian
Tòa án nhân dân TP.HCM đã căng bạt ra sân để phục vụ phiên xét xử |
Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty CP địa ốc Alibaba để doanh nghiệp này trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án.
Việc này cũng nhằm tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng. Sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng nhưng tiền được nộp về Công ty CP địa ốc Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.
Nhiều người đến tham dự phiên tòa nhưng không mang theo giấy tờ liên quan nên phải ở ngoài |
Toàn bộ dự án dân cư được vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp mà Công ty CP địa ốc Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng, không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.