Phát biểu khai mạc Hội báo, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân cho biết Hội Báo toàn quốc là ngày hội lớn của báo giới và công chúng cả nước, là hoạt động chào mừng thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước và TP.HCM.
Ngày hội lớn của những người làm báo trong cả nước chính thức khai mạc. Ảnh: Lê Toàn |
Với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, Hội Báo toàn quốc năm 2024 sẽ là một điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí, thể hiện rõ chất lượng, quy mô của các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động triển lãm, trưng bày, cũng như các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Năm nay, Hội Báo toàn quốc có phương thức tổ chức mới, với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, đã thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu của hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trong đó, có 1 khu vực trưng bày về lịch sử báo chí Việt Nam; 112 gian trưng bày báo chí đặc sắc của những tờ báo, tạp chí từ phổ biến đến chuyên ngành, bao gồm các mặt đời sống chính trị - xã hội của đất nước; 8 gian trưng bày đặc biệt của Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Khối Báo chí Quân đội, Khối Báo chí Công an, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Quốc hội.
Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu khai mạc Hội báo. Ảnh: Lê Toàn |
Song song với hệ thống các gian trưng bày cho thấy bức tranh tổng quan về báo chí Việt Nam đương đại theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại là gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề”. Đây sẽ là câu chuyện lịch đại 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam, với những câu chuyện cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo - chiến sỹ.
Trong 3 ngày (từ 15 đến 17/3), Hội Báo toàn quốc 2024 sẽ mang đến cho công chúng và các nhà báo, hội viên nhiều hoạt động nghiệp vụ chất lượng, quy mô lớn, tính chuyên sâu và tính thực tiễn cao; các hoạt động triển lãm, trưng bày, các chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc, phong phú.
Đặc biệt, Diễn đàn Báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức với 10 phiên thảo luận về các chủ đề trọng yếu, có tính cấp bách của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số, như: Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại A.I; Phát thanh năng động trong môi trường số; Đa dạng hóa nguồn thu các cơ quan báo chí, Vấn đề bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số…
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội báo. Ảnh: Lê Toàn |
Diễn đàn với sự tham dự của hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước cùng các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín; sẽ có tầm ảnh hưởng mạnh và tác động đa chiều đến các cơ quan báo chí, các nhà báo, hội viên trong cả nước.
“Mối tương tác nhằm tạo khối đoàn kết thúc đẩy sự cộng tác cùng phát triền giữa nhà báo, công chúng, doanh nghiệp chính là một sáng kiến thể hiện đậm nét tính tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân của báo giới Việt Nam trong Hội báo 2024”, ông Minh nói.
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Báo toàn quốc cũng là cơ hội để báo giới gặp gỡ để hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả, khán giả để có những sản phẩm báo chí bám sát thực tiễn đời sống, từ đó thông tin các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh thực trạng đời sống mọi mặt, lắng nghe, phân tích, khơi nguồn, điều hướng dư luận xã hội, từ đó góp phần cho sự nghiệp phát triền hinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc Hội báo Toàn quốc năm 2024. Ảnh: Lê Toàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội Báo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng đánh giá đây là sự kiện rất quan trọng, giàu ý nghĩa, thực sự là ngày hội đối với các cấp hội nhà báo, người làm báo cả nước. Đồng thời là một bước chuẩn bị quan trọng hướng tới Kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo ông Nghĩa, sự phát triển không ngừng của báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu với các công cụ số như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối… đã tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các cơ quan báo chí cũng như các nhà báo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai, bên trái) và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (thứ ba, bên trái) tham quan gian hàng trưng bày Báo Đầu tư. Ảnh: Lê Toàn |
Báo chí đang phải đối diện với những vấn đề có tính chất bước ngoặt để bảo đảm thế chủ động trong định hướng, dẫn dắt thông tin trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Vì thế, báo chí cần tích cực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, tăng cường đào tạo nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ, quan tâm nghiên cứu công chúng và xu hướng báo chí truyền thông hiện đại.
“Các tác phẩm báo chí cần đảm bảo về tính định hướng, tính chuyên biệt, tính hấp dẫn và tính cá nhân hoá. Mỗi người làm báo phải luôn tự ý thức học tập, nghiên cứu, tự rèn mình để có bản lĩnh chính trị, nền tảng văn hóa, kỹ năng công nghệ và tinh thần tận hiến, nhân văn vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự phồn vinh, hạnh phúc của Nhân dân”, ông nói đồng thời tin tưởng với sự đoàn kết, tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm, Báo chí Cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo sẽ vững vàng trên vị trí Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân.