Không mệt vì phải đóng nhiều “vai”!
- PV: Chào Bùi Công Duy, cuộc sống của anh dạo này thế nào?
- Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy: Bận (cười). Đôi khi tôi có thể sắp xếp tách biệt được giữa việc đi dạy và đi diễn, cũng có lúc phải phân thân để đóng nhiều “vai” - vừa là nghệ sĩ trên sân khấu, vừa phải đi dạy, vừa làm đạo diễn chương trình, thành ra cũng hơi vất vả. Nhưng nói chung là thú vị và tôi tìm thấy niềm vui khi cuộc sống của mình luôn chuyển động.
- Cùng lúc đóng nhiều “vai”, anh có thấy mệt không?
- Mệt thì có mệt nhưng vẫn thích bởi vì đó là trải nghiệm mà không phải lúc nào cũng có. Vì thế, tôi nghĩ mình nên tiếp nhận khi có cơ hội và cố gắng trải nghiệm hết những khoảnh khắc thú vị của việc đóng nhiều “vai”. Đó cũng là cơ hội để mình học hỏi rút kinh nghiệm cho bản thân. Thời buổi này nghệ sĩ phải rất “đa di năng” và làm được nhiều việc.
- Còn nhớ ngày anh quyết định về nước thay vì nhận lời một dàn nhạc danh tiếng ở Nga, không ít người bảo anh…“dở hơi”. Anh biết điều đó chứ?
- Có chứ, tôi biết rất nhiều người bảo tôi dở hơi vì bỏ lỡ cơ hội lớn để phát triển sự nghiệp. Nhưng tôi lại nghĩ đơn giản, có nghề mà không truyền được thì cũng buồn. Với lại tôi cũng muốn một ngày nào đó có thể mời được các nghệ sĩ danh tiếng thế giới về Việt Nam biểu diễn. Tới giờ tôi vẫn nghĩ đó là một quyết định không thể đúng hơn.
- Nhưng đổi lại, ngoài việc biểu diễn thì anh cũng phải làm đủ thứ để gánh vác nỗi lo “cơm áo gạo tiền”?
- Nghệ sĩ ở đâu cũng vậy thôi, mọi người cứ nghĩ nghệ sĩ là những người bay bổng, chỉ biết sáng tạo nhưng thật ra chúng tôi là những người rất thực tế, muốn tồn tại được thì buộc phải thích nghi và không ngại làm nhiều việc. Tôi không cho đấy là điều gì khác biệt, trái lại đấy là cơ hội tốt cho những người chịu khó làm và làm được việc.
- Anh có bao giờ nghĩ sẽ làm giàu bằng những công việc mình làm?
- Nghề nhạc không thể làm triệu phú được nhưng so với ngày xưa thì công việc này hiện nay cũng đem lại vật chất tốt hơn nhiều. Hơn thế nghề này đem lại cho tôi giá trị vô giá là tinh thần khiến mình cảm thấy lạc quan, thoải mái. Còn công việc nào cũng vậy, được cái này thì mất cái kia. Bạn để ý mà xem, làm nghề như tôi thì không thể quá giàu, nhưng người khác lại phải bỏ tiền ra để tìm sự thanh thản từ mình. Tôi nghĩ cuộc sống càng căng thẳng, người ta lại càng muốn tìm đến nghệ thuật để giải tỏa. Như trung tâm dạy nhạc mà vợ chồng tôi mở, phụ huynh cho con đến học cũng xác định cho con mình được chơi đàn, tiếp xúc với nghệ thuật để tâm hồn hướng thiện. Còn chuyện làm giàu bằng việc mở trung tâm lại càng không thể.
- Anh vừa nhắc đến trung tâm dạy nhạc Sensi - Art mà vợ chồng anh mở, anh có vẻ cũng hứng thú với cả công việc “thêm nếm” này?
- Đúng vậy, trung tâm đó giờ cũng được 5 năm rồi, nói chung là ổn định, có nhiều em theo học từ lúc khai trương đến tận bây giờ. Đó cũng là niềm vui của tôi. Vợ chồng tôi cũng mở thêm một hai chỗ nữa, gọi là niềm vui nhân đôi (cười). Tôi cố gắng làm những gì gần với nghề mà vẫn liên quan đến âm nhạc vì suy cho cùng mình vẫn là nghệ sĩ. Cái được nhất là từ ngày đi dạy, tôi càng ngày càng yêu con trẻ.
Vợ chồng không phải điều gì đó lớn hơn tình bạn
- Có người bạn đời là “ái nữ” của nhạc sĩ Phú Quang, lại cũng là nghệ sĩ. Anh nghĩ điều gì đã giúp vợ chồng anh cân bằng tổ ấm của mình?
- Theo tôi, hạnh phúc hay không là do hai người với nhau. Sự gắn bó bao giờ cũng phải xuất phát từ hạt nhân nhỏ nhất, cũng như việc muốn cả gia đình hòa hợp thì việc đầu tiên là từ thành viên nhỏ nhất trong gia đình, rồi đến mấu chốt là 2 vợ chồng phải hợp nhau. Có vậy thì mọi vấn đề đều có thể được giải quyết. Còn nếu đã xung khắc thì gia đình nào cũng thế, không cứ gì gia đình nghệ sĩ, đều không đi đến đâu cả. Tôi có cái may là vợ tuy cũng là nghệ sĩ nhưng không thích xuất hiện nhiều, cũng không thích đi ra ngoài nhiều, có lẽ vì thế mà dễ cân bằng tổ ấm.
- Không chỉ là bạn đời, vợ anh - nghệ sĩ piano Trinh Hương còn là đồng nghiệp của anh ở Nhạc viện. Anh hay vợ có bao giờ chia sẻ về cảm giác “chạm mặt” nhau từ nhà đến trường suốt không?
- Cả ngày tưởng gặp nhau suốt thế thôi chứ đến trường là mỗi người một tầng, mỗi người một nơi, nhiều lắm thì chỉ đến bữa ăn là chúng tôi ngồi cùng nhau thôi. Nhiều khi về đến nhà cũng không có sức mà nói vì cả hai đều quá mệt rồi.
- Dù sao đó cũng là một câu chuyện tình yêu bền bỉ!
- Tôi luôn nghĩ đừng bao giờ cho rằng vợ chồng là một cái gì đó lớn hơn tình bạn. Tất nhiên ai chẳng có lúc va chạm nhưng đã chung sống thì không nên quá đào sâu vào những tiểu tiết. Với lại chắc một phần do đam mê công việc của cả hai đều nhiều nên mọi thứ trôi đi cũng dễ. Còn trong cuộc sống, biết bỏ qua được thì sẽ tồn tại được. Tôi nghĩ đơn giản thế thôi.
- Thế những lúc va chạm, anh hay vợ là người “xuống nước” trước?
- Cả hai. Nói đúng hơn là mỗi lúc một người, tùy theo cấp độ người nào “điên” hơn thì người kia “xuống nước”.
- Anh mà cũng có lúc “điên” ư?
- Có chứ, người ta vẫn bảo lành tính thì hay “cục” mà. Nhưng phụ nữ mà “điên” thì cũng khiếp lắm!
- Ý anh muốn nói đến vợ mình?
- Vợ tôi cũng kinh lắm, dữ dội mạnh mẽ lắm đấy. Thật ra phụ nữ bao giờ chẳng mạnh mẽ hơn đàn ông. Đàn ông thì thể lực khỏe thôi chứ phụ nữ họ nghị lực lắm. Tôi nghĩ thế.
- Vậy những lúc vợ “dữ dội” như thế, anh có… sợ không?
- Sợ thì chả sợ nhưng tôi nhường thôi, nhường để tồn tại chứ. Việc gì cũng thế không cứ gì mối quan hệ vợ chồng, tôi quan niệm khi hai người va nhau thì một người phải chịu nhường chứ, còn đâu giải quyết sau.
- Ngoài công việc chung thì vợ chồng anh “vận hành” cuộc sống riêng thế nào?
- Nói chung là tương đối hòa bình. Việc gì vướng mắt, ai thấy thì làm trước. Tôi có thể tưới cây, phơi quần áo, vợ lo chuyện bếp núc, nhà cửa hoặc ngược lại. Nếu việc gì vợ làm tốt hơn thì tôi sẵn sàng nhường cô ấy.
- Sắp tới anh có dự án nghệ thuật gì không?
- Có, nhưng có lẽ tôi chưa thực hiện được ngay vì thời gian này tôi muốn tập trung lo cho gia đình hơn.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!