Du lịch
Nghỉ dịch quá dài, nhân viên khách sạn tính… bỏ nghề
Hạnh Nguyên - 29/08/2021 13:22
Một năm nghỉ 10 tháng vì Covid-19, chưa biết ngành du lịch còn “đóng băng” đến khi nào, nhiều nhân viên khách sạn đã phải chuyển nghề để mưu sinh và tính… bỏ nghề.
Không có khách lưu trú, nhiều khách sạn tại Hà Nội được sử dụng làm khu cách ly tập trung để phòng, chống Covid-19 ảnh: h.hạ

Buộc phải chuyển nghề để mưu sinh

Là nhân viên kinh doanh (sales) có thâm niên 10 năm trong ngành khách sạn, nhưng kể từ tháng 10/2020 đến nay, anh Lê Văn Sỹ (Hà Nội) buộc phải chuyển sang kinh doanh online vì khách sạn nơi anh làm việc với quy mô hơn 60 phòng giữa trung tâm Thủ đô buộc phải đóng cửa, giống như nhiều cơ sở lưu trú khác.

“Tôi và các đồng nghiệp đã phải làm nhiều việc, từ kinh doanh online, tư vấn viên bảo hiểm, bán bất động sản… để kiếm sống. Sau khi kinh doanh thực phẩm sạch online một thời gian, tôi đã có những khách hàng thân thiết và doanh số tăng trưởng đều đặn, nên tôi chưa có ý định quay lại với ngành du lịch”, anh Sỹ cho hay.

Cựu nhân viên sales ngành lưu trú dự đoán, “cơn cuồng phong” Covid-19 chưa dừng lại, nên khả năng ngành khách sạn phải “xây lại từ đầu” rất cao, không có nhiều triển vọng.

Cũng nằm trong số những nhân viên buồng của một khách sạn tại khu phố cổ Hà Nội phải chuyển nghề từ tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Thu (52 tuổi), trở về quê hương Nghệ An, làm nhân viên dọn dẹp cho một công ty kinh doanh sàn gỗ. Đang có mức lương 10 triệu đồng/tháng, nay với mức lương thấp hơn nhiều, bà Thu phải rất tằn tiện mới đủ chi tiêu.

“Phải nghỉ việc về quê, tôi tiếc nuối đau đáu. Nhưng ngành du lịch hiện khó khăn quá, không biết khi nào mới có thể hồi phục. Chủ khách sạn nơi tôi làm việc đang nợ nần đầm đìa, lãi mẹ đẻ lãi con. Cũng vì cuộc sống, nên tôi buộc phải về quê và chuyển công việc khác”, bà Thu buồn bã nói.

Tính đoạn tuyệt với nghề

Anh L.X.Vinh, chủ 8 khách sạn, 2 spa tại khu phố cổ Hà Nội cho hay, đại dịch Covid-19 ập đến khiến lượng khách quốc tế chủ lực bị mất đi, khách nội địa cũng không đủ để cứu vãn, nên anh đã phải đóng cửa 2 spa và 7 khách sạn, chỉ còn duy trì 1 khách sạn để giữ lại bộ máy chủ chốt nhất đã gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm.

“Gần 200 nhân viên của tôi phải nghỉ việc không lương, hiện đã chuyển sang các nghề khác như lái xe công nghệ, kinh doanh online, môi giới bất động sản, dạy ngoại ngữ, về quê trồng rau sạch, mở hàng đồ uống… cốt để mưu sinh. Những người yêu nghề vẫn tâm huyết đợi đến ngày quay lại với du lịch khi thị trường hồi sinh… Tuy nhiên, đa số những người đã ổn định với công việc mới đều tính đoạn tuyệt với nghề”, anh Vinh nói.

Theo đại diện Savills Hotel, năm 2020 đã là một năm khó khăn đối với ngành khách sạn - du lịch, khi phần lớn cơ sở lưu trú đều có kết quả hoạt động kinh doanh sụt giảm đáng kể và một số phải quyết định đóng cửa tạm thời, nhiều khách sạn có quy mô nhỏ buộc phải rao bán. Nhưng năm nay, tình trạng thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều.

Chị Hoàng Kiều Trang, một nhân viên đã có thâm niên 30 năm ở vị trí giám sát tại một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ rơi vào hoàn cảnh như hiện nay. Trước khi Covid-19 bùng phát, khách quốc tế đến khách sạn nườm nượp, nên đời sống của nhân viên ở đây rất cao.

Thế nhưng, khi dịch bệnh ập đến, các đoàn khách quốc tế không còn, những nhân viên lâu năm như chị cũng không tránh khỏi hụt hẫng. Dù làm việc cho doanh nghiệp lớn và may mắn hơn nhiều người trong ngành là hiện tại vẫn được đi làm 1/3 số ngày trong tháng khi không giãn cách, nhưng chị Trang cùng các đồng nghiệp vẫn không hết âu lo.

“Dù mọi người thường xuyên bảo nhau giữ tinh thần lạc quan, cố gắng cầm cự, nhưng trong lúc này, không khí ảm đạm vẫn bao trùm lên hầu hết khách sạn ở Hà Nội. Gần 1 tháng giãn cách, tôi làm việc không lương ở nhà, nên phải làm gia sư tiếng Anh online để đỡ buồn và có thêm thu nhập”, chị Trang chia sẻ

Hiện, rất nhiều khách sạn ở khu phố cổ Hà Nội đã đóng cửa, rao bán hoặc nhượng lại vì không chịu được chi phí vận hành. Theo anh Vinh, đặc thù của ngành khách sạn là càng cao cấp, thì càng phải nâng niu đồ dùng, dù không có khách lưu trú, thì vẫn phải dọn dẹp buồng phòng và bật điều hòa 24/24. Đặc biệt, nếu phải thuê mặt bằng, thì doanh nghiệp không thể chống chịu.

Giai đoạn này, những nhân viên kỳ cựu và may mắn còn được đi làm ở doanh nghiệp lớn như chị Trang tạm coi như khoảng thời gian được nghỉ ngơi dài hạn sau nhiều tháng năm cống hiến, làm việc bất kể ca trực đêm ngày. “Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn, nhưng có thể sẽ mất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều hơn”, chị Trang nói.

Một ông chủ của khu lưu trú villa 8 phòng tại Sóc Sơn (Hà Nội) cũng suy nghĩ tương tự chị Trang. Trên mảnh đất của gia đình, anh xây dựng khu villa với tổng số tiền đầu tư lên đến 10 tỷ đồng và vừa mới hoạt động được hơn 1 năm. Trong thời gian dịch bệnh, nhất là giai đoạn giãn cách toàn TP. Hà Nội, hoạt động kinh doanh thiệt hại nặng nề. Do số phòng quá ít, nên cơ sở của anh cũng không thể cho thuê lại để làm khu cách ly. Lúc này, không còn cách nào khác, anh tuân thủ các biện pháp chống dịch và chờ đợi dịch bệnh được kiểm soát...

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP. Hà Nội, 7 tháng đầu năm 2021, khách du lịch đến Hà Nội chỉ bao gồm khách du lịch nội địa, ước đón 2,92 triệu lượt khách, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8.170 tỷ đồng, giảm 63,6% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tháng 7/2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao tại Hà Nội đạt khoảng 23,9%, giảm 1,8 % so với tháng 6/2021 và giảm 10,3 % so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 - 5 sao chỉ đạt khoảng 24%, giảm 8,2 % so với cùng kỳ năm 2020.

Công suất sử dụng phòng bình quân của các khách sạn tại Hà Nội đón khách nhập cảnh (cả khách Việt Nam từ nước ngoài về nước) cách ly tháng 7/2021 ước đạt khoảng 43,3%. Khách nhập cảnh chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Nam Phi, Đức, Trung Quốc, Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Ấn Độ.
Tin liên quan
Tin khác