Đầu tư
Nghị định mới về đầu tư ra nước ngoài sẽ “vừa thoáng, vừa siết”
Kỳ Thành - 09/10/2020 08:59
Quy định về đầu tư ra nước ngoài sẽ được sửa đổi để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng cũng “siết” một số lĩnh vực, đối tượng cụ thể.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài.

Quy định “vừa thoáng, vừa siết”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư góp ý Dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, quan điểm xây dựng nghị định là “vừa thoáng, vừa siết”, tạo sự thông thoáng nhất có thể cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhưng siết với những vấn đề cần siết, như quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Nghị định được xây dựng với mục tiêu bảo đảm huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài phục vụ mục tiêu phát triển. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thống nhất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.

Theo dự thảo, Nghị định dự kiến gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 1 điều. Dự thảo bổ sung, làm rõ các trường hợp cá nhân đầu tư ra nước ngoài tại Điều 2. Cụ thể, các trường hợp nhà đầu tư đầu tư ra nước ngoài gồm các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng, hộ kinh doanh, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp.

Các trường hợp cá nhân không được thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước...

Đánh giá về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, quy định này hoàn toàn đúng và phù hợp với các quy định khác của luật pháp Việt Nam. Bản thân những cá nhân làm lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước cũng không được thành lập công ty cá nhân. Tuy nhiên, thực tế, họ vẫn bằng cách này hay cách khác lách luật, như không đứng tên trực tiếp khi thành lập công ty, mà có thể nhờ người thân đứng tên hộ.

Cần tiếp tục chỉnh sửa

Để tạo thuận lợi cho đầu tư ra nước ngoài, khi xây dựng Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định, trước tiên, phải định nghĩa một cách thống nhất và rõ ràng về “vốn đầu tư ra nước ngoài”. Lâu nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về vốn đầu tư ra nước ngoài, làm khó cơ quan quản lý và cả nhà đầu tư.

Theo đó, Dự thảo đưa ra 2 phương án định nghĩa, trong đó vốn đầu tư ra nước ngoài là tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư hoặc do nhà đầu tư huy động để chuyển ra nước ngoài nhằm thực hiện hoạt động tư ở nước ngoài. Điểm khác biệt giữa 2 phương án là xác định có hay không bao gồm “tiền cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài”.

Tham gia góp ý về vấn đề này tại hội nghị lấy ý kiến đầu tuần này của Cục Đầu tư nước ngoài, đại diện một số doanh nghiệp đều thống nhất với phương án không bao gồm các khoản vay và bảo lãnh nêu trên. Tuy nhiên, đại diện Viettel lại nghiêng về phương án “có bao gồm”.

Vị đại diện Viettel nêu, Dự thảo Nghị định đang quy định, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc vốn điều lệ tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài, đây là vấn đề khó. Dẫn chứng là, với các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn, việc mua bán cổ phần diễn ra tự do, chỉ cần một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp, cũng sẽ bị ràng buộc bởi quy định này. Do đó, nên có quy định cụ thể hơn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở trường hợp này.

Một nội dung khác cũng được doanh nghiệp quan tâm là Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản. Theo đó, nhà đầu tư phải là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp mới được phép đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản.

Theo lý giải của cơ quan soạn thảo Nghị định, quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không để đầu tư, kinh doanh.

Cho rằng quy định này chưa hợp lý và dù có quy định thì cũng khó quản lý, TS. Nguyễn Văn Toàn dẫn chứng, nhà đầu tư có thể lách luật bằng cách thành lập một công ty của cá nhân đầu tư ra nước ngoài, khi công ty giải thể, bất động sản đó sẽ lại thuộc về cá nhân đó.

Khẳng định công tác lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo đang được triển khai một cách rất khẩn trương, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để có những điều chỉnh phù hợp, bởi đây là những đối tượng chính sẽ thực thi và gắn bó với nghị định này.

Tin liên quan
Tin khác