Ngân hàng Nhà nước cho hay, về Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox), thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan để trao đổi, thống nhất, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, trình báo cáo Chính phủ để triển khai các bước tiếp theo. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 tờ trình về vấn đề này, tờ trình mới nhất là tờ trình 117/TTr-NHNN ngày 17/8/2023.
Lý giải nguyên nhân Nghị định chậm ban hành, NHNN cho hay, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm là Nghị định được xây dựng không dựa trên quy định tại cấp độ Luật, do đó, quy trình xây dựng Nghị định sẽ cần nhiều thời gian hơn, Chính phủ phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định trước khi ký thông qua.
Bên cạnh đó, Nghị định là cách tiếp cận pháp lý mới nên nhiều vấn đề cần được rà soát kỹ lưỡng với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cần được nghiên cứu, thiết kế để đảm bảo thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, đảm bảo ổn định tài chính. Đồng thời, trong quá trình phối hợp với các Bộ, cơ quan còn có ý kiến chưa thống nhất dẫn đến kéo dài thời gian trình Chính phủ
Trước đó, đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, NHNN phấn đấu trình Chính phủ ký Nghị định này trong quý III/2023 song hiện tại đã bước sang quý IV/2023 mà Nghị định vẫn chưa được ban hành.
Theo Vụ Thanh toán, ngay sau khi Chính phủ ký ban hành Nghị định, NHNN sẽ lập tức đưa ra dự tháo Thông tư hướng dẫn để lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ đầu năm 2024.
Nghị định về Sandbox đang được cộng đồng fintech hết sức trông chờ. Việc có hành lang pháp lý đầy đủ không chỉ bảo vệ quyền lợi của fintech mà còn của cả người tiêu dùng.