Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã cơ bản hoàn thành nhưng thiếu lối vào. |
Xây nhà quên ngõ
Dự án Hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) Cẩm Lệ được TP. Đà Nẵng triển khai xây dựng từ năm 2019, do UBND quận Cẩm Lệ làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 250 tỷ đồng, tổng diện tích quy hoạch sử dụng đất 29,09 ha.
Xác định là dự án động lực, trọng điểm, nên TP. Đà Nẵng tập trung nguồn lực để Dự án sớm hoàn thành. Song, Dự án liên tục trễ tiến độ, phải đến tháng 6/2023, các hạng mục công trình mới cơ bản hoàn thành. Những tưởng, các cơ sở sản xuất sẽ tiếp cận được quỹ đất, nhưng đến nay, CCN này vẫn chưa thể khai thác.
Giải thích nguyên nhân khiến CCN Cẩm Lệ chưa khớp nối đồng bộ hạ tầng với bên ngoài, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, CCN Cẩm Lệ được quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích của Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn II) về phía Tây và phía Nam, nên việc kết nối hệ thống giao thông giữa CCN này với bên ngoài phải thông qua hệ thống giao thông nội bộ của Khu công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn II).
Theo đó, gói thầu xây lắp giai đoạn I và giai đoạn II gồm 8 hạng mục chính: giao thông, san nền, cây xanh, cấp nước, thoát nước thải, thoát nước mưa, cấp điện chiếu sáng và trạm xử lý nước thải. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Lê Vũ (nay là Công ty Liên Việt Tiến) và Công ty cổ phần Kỹ thuật và Công nghệ Thái Hưng Thịnh.
Theo chủ trương của TP. Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II được đầu tư trong giai đoạn 2016-2020; còn CCN Cẩm Lệ thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, Dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II vẫn còn nằm trên giấy, thế nên, CCN Cẩm Lệ dù được đầu tư xong, nhưng không thể khớp nối giao thông và một phần hệ thống thoát nước mưa khu vực phía Tây. Với phần thoát nước mưa của lưu vực phía Đông, do hệ thống đấu nối thoát nước từ điểm cuối của CCN đến sông Cầu Đỏ nằm ngoài ranh giới quy hoạch nên hạng mục này chưa được đầu tư theo dự án.
Ngoài ra, CCN Cẩm Lệ cũng đang vướng cơ chế vận hành. CCN Cẩm Lệ có quy mô 29,09 ha, nhưng thực tế chỉ có khoảng 15 ha bố trí cho doanh nghiệp sản xuất, tương đương 298 lô. Nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn, nguồn cung có hạn, vì thế TP. Đà Nẵng đã giao Sở Công thương xây dựng bộ tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp vào CCN Cẩm Lệ. Trong đó, tiêu chí trước tiên phải là các cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm trong khu dân cư, rất bức thiết phải di dời; tiếp đến phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Sớm khắc phục bất cập
Ngoài việc chưa thể vận hành, việc đầu tư xây dựng CCN Cẩm Lệ còn tồn tại nhiều bất cập khác như gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Gia đình ông Nguyễn Hữu Toàn (tổ 7, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) nằm ngay điểm cuối của tuyến thu gom nước mưa của CCN Cẩm Lệ, nên mỗi lần mưa thì nước chảy tràn vào nhà. “Mỗi trận mưa, nước từ dự án lại chảy thẳng vào nhà, gia đình tôi phải dọn dẹp như chạy lụt, rất khổ”, ông Toàn nói.
Không riêng gia đình ông Toàn, khu dân cư chung quanh CCN Cẩm Lệ cũng rất bức xúc, bởi CCN Cẩm Lệ được thiết kế với cốt nền cao hơn khu dân cư xung quanh, nên trời nắng thì bụi bao phủ cả khu dân cư, trời mưa thì nước mưa mang theo bùn đất tràn xuống nhà, vườn của người dân. Giữa cụm công nghiệp và nhà dân lại chưa có rào chắn, bờ tường, gây mất an toàn. Vì vậy, người dân rất lo lắng, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.
Tại buổi kiểm tra thực tế Dự án ngày 19/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chỉ ra nhiều bất cập trong quá trình triển khai xây dựng, từ khớp nối hạ tầng, trồng cây xanh, đảm bảo an toàn cho cư dân sống xung quanh. Rõ ràng, việc “đánh cờ nước một” tại Dự án đã làm phát sinh nhiều vấn đề, khiến CCN này có nguy cơ tiếp tục trễ hẹn.
Để giải quyết những bất cập, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư để khớp nối hạ tầng giao thông và thoát nước của CCN Cẩm Lệ với bên ngoài, đồng thời xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước và nước thải. Tuy nhiên, lại phát sinh vấn đề khác, bởi đoạn đường giao thông khớp nối phía Đông CCN Cẩm Lệ hiện TP. Đà Nẵng giao Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm là chủ sở hữu, vì vậy không thể thực hiện đầu tư công trên đất do tư nhân quản lý. Quận Cẩm Lệ đề xuất, đoạn đường khớp nối giao thông này chỉ đầu tư tạm.
Quận Cẩm Lệ cũng điều chỉnh lại quy mô đầu tư của hạng mục khớp nối giao thông và tách khỏi Dự án để sử dụng nguồn kinh phí dự phòng, đồng thời hoàn chỉnh Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án khớp nối hạ tầng phù hợp.
Đối với việc đấu nối hệ thống nước thải, quận Cẩm Lệ phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án đấu nối nước thải sau xử lý của CCN Cẩm Lệ vào đường ống thoát nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm. Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm thống nhất chủ trương về việc đấu nối nước thải sau xử lý của CCN Cẩm Lệ vào đường ống thoát nước thải sau xử lý của Khu công nghiệp Hòa Cầm sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý điều chỉnh vị trí xả thải. Các chi phí liên quan đến thủ tục điều chỉnh giấy phép, Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm không chịu trách nhiệm…
Trước những bất cập tại CCN Cẩm Lệ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị khẩn trương phối hợp, giải quyết những khó khăn để sớm đưa CCN này đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để phát huy hiệu quả vốn đầu tư công. Ông Quảng cũng chỉ đạo nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ hạ tầng CCN Cẩm Lệ, đầu tư hoàn thiện hệ thống thu gom nước, rà soát lại việc trồng cây xanh trong dự án, đảm bảo an toàn cho khu dân cư xung quanh CCN này. Về lâu dài, cần nghiên cứu phương án giải tỏa khu dân cư quanh khu công nghiệp…