Hội thảo Kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chiều 26/10 |
Đây là “đề bài” được ” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam nhấn mạnh tại cuộc Hội thảo “Kết quả thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam” diễn ra vào chiều 26/10.
Đây là cuộc hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đi qua và các chuyên gia độc lập về đường sắt và giao thông vận tải (GTVT).
“Với quy mô đầu tư lên tới hơn 60 tỷ USD, tác động sâu rộng tới việc phát triển hành lang kinh tế Bắc – Nam nên các phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phải được nghiên cứu, thẩm định kỹ lưỡng, có trách nhiệm cao trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Có khoảng 5 nhóm vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng “đặt hàng” các đại biểu tham dự Hội thảo trên: dải tốc độ lựa chọn; phương thức khai thác; hướng tuyến, khung tiêu chuẩn; các cơ sở tính toán tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn…
“Những nhóm vấn đề này sẽ quyết định không chỉ đến phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam mà còn tới định hướng phát triển ngành đường sắt và ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam trong vòng 50 năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Được biết, nhằm đảm bảo việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam do Bộ GTVT đề trình vào năm 2019, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải, Công ty TNHH Evo mc, Công ty Ove Arup & Partners Hong Kong Limited, Công ty CP Tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú (UTCV – EVO – ARUP – HP) làm tư vấn thẩm tra hồ sơ dự án.
Vào tháng 2/2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh/thành phố dọc từ Hà Nội vào TP.HCM. Dự án dự kiến phương án tổ chức chạy tàu với tốc độ chạy tàu lớn nhất là 320km/h. Dự kiến tổng mức đầu tư của Dự án là 1.334.233 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả thẩm tra, liên danh UTCV – EVO – ARUP – HP đánh giá tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã lựa chọn cấp tốc độ thiết kế và khai thác chưa phù hợp; các số liệu tính toán cho Dự án cũng chưa sát thực về khối lượng, suất đầu tư để tính toán tổng mức đầu tư, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế xã hội.
Đơn vị tư vấn thẩm tra cũng cho răng là các giải pháp huy động vốn được tư vấn lập dự án đề xuất không khả thi nếu huy động 80% vốn bằng việc sử dụng vốn ngân sách, vốn vay ODA hoặc vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính, 20% vốn từ doanh nghiệp tư nhân (12 tỷ USD).
Trong báo cáo thẩm tra, liên danh UTCV – EVO – ARUP – HP kiến nghị lựa chọn cấp tốc độ thiết kế 250 km/h và tốc độ khai thác 225 km/h để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng.
“Cấp tốc độ này cho phép vận hành hỗn hợp tàu khách và tàu hàng, mở ra cơ hội các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao”, đại diện liên danh tư vấn đề xuất và nhận mạnh xu thế của các dự án đường sắt tốc độ cao ở châu Âu hiện nay đều đã giảm tốc độ khai thác từ trên 300 km/h xuống 200 km/h đến 250 km/h và vận hành hỗn hợp để tiết kiệm chi phí vận hành.
Với phương án này, tư vấn thẩm tra tính toán khái toán tổng mức đầu tư Dự án là 61,67 tỷ USD, trong đó dự kiến huy động từ đấu giá bất động sản tại 50 khu đô thị nhà ga có quy mô từ 200 ha đến 500 ha/khu (theo mô hình TOD) là 38,946 tỷ USD, chiếm 63,15% tổng mức đầu tư.
Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (2023- 2025), Dự án sẽ được triển khai xây dựng từ năm 2025 – 2031 với giai đoạn 1 tiến hành GPMB toàn dự án và 50 khu đô thị nhà ga; xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm – Nha Trang dài 361 km.
Theo GS.TS Tống Trần Tùng, phương án mà tư vấn thẩm tra đề xuất có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Đây cũng là định hướng vừa được Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo.
“Tôi đánh giá cao việc tư vấn thẩm tra đề xuất phương án huy động vốn từ TOD nhằm giảm áp lực vay vốn ODA, tạo sự độc lập tương đối trong việc lựa chọn công nghệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”, ông Tùng nêu quan điểm.
Theo TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, người đã từng tham gia góp ý cho cả 4 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trong giai đoạn trước đây, tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có trách nhiệm làm rõ các ý kiến phản biện của tư vấn thẩm tra, đặc biệt là dải tốc độ lựa chọn, phương án huy động vốn.
“Hai đơn vị tư vấn phải ngồi lại với nhau để làm rõ các vấn đề tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trên tinh thần khoa học, khách quan”, ông Long đề nghị.
Liên quan đến đề xuất về việc lựa chọn cấp tốc độ thiết kế 250 km/h và tốc độ khai thác 225 km/h để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng của tư vấn thẩm tra, ông Long cho rằng đây là phương án có nhiều điểm khác biệt với đề xuất của Bộ GTVT tới mức có thể coi là dự án mới hoàn toàn, cần được xem xét thấu đáo bên cạnh phương án chạy tàu ở tốc độ dưới 150 km/h mà Lào đã triển khai.
“Việc huy động vốn từ mô hình TOD tuy là phương án hay nhưng hiện giờ cũng chỉ nên coi là gợi ý, có thể gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế”, ông Long nhấn mạnh.